QC 1
Thứ 2, ngày 06/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Phó Chủ tịch HoREA Nguyễn Văn Đực: Lơ lửng “quả bom” đất công

Câu chuyện dự án bất động sản mọc lên trên đất công đang gây ra những xáo trộn to lớn trên thị trường bất động sản nói riêng và tình hình kinh tế nói chung. Về vấn đề này, chúng tôi đã có một cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đực – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành

Phó Chủ tịch HoREA Nguyễn Văn Đực

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về câu chuyện dự án bất động sản mọc trên đất công, trong thời gian qua?

– Câu chuyện dự án bất động sản mọc trên đất công sẽ là “quả bom” treo lơ lửng trên thị trường bất động sản năm 2019. Đây cũng là vấn đề lớn nhất của thị trường bất động sản trong năm 2019 chứ không phải các vấn đề như thị trường bội thực căn hộ cao cấp, nóng sốt, đóng băng… “Nguy hiểm” nhất của vấn đề bất động sản mọc trên đất công đó là gần như toàn bộ các dự án đang trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư đã bị ngưng trệ. Thậm chí, những dự án bất động sản mọc trên đất công đã có giấy phép cũng nằm trong tình trạng xem xét lại, ngưng tạm thời, tạm khoanh lại để xem xét việc giao đất có đúng không, nghĩa vụ tài chính…

Tôi được biết, có khoảng 300 dự án bất động sản mọc trên đất công thuộc diện này. Có thể chia ra làm các dạng như sau, các dự án buộc phải ngưng để xem xét về tiền sử dụng đất, có thể bị buộc phải đóng thêm tiền sử dụng đất, có thể gấp đôi, gấp ba… Điều này có thể sẽ dẫn đến việc DN chìm trong khó khăn, có thể họ không có tiền để đóng thêm…

Theo ông, đâu là giải pháp cho vấn đề quá lớn này?

– Nên chia các dự án bất động sản mọc trên đất công thành các nhóm để từ đó có các giải pháp hài hòa giải quyết từng nhóm vấn đề. Chẳng hạn, đối với các dự án đang trong quá trình thực hiện nhưng tại thời điểm hiện tại chưa được chấp thuận đầu tư, chưa được cấp phép xây dựng thì nên dừng lại để đánh giá lại toàn bộ, có thể sẽ phải đưa khu đất đó ra đấu giá lại để tránh thất thoát cho ngân sách Nhà nước. Đối với các dự án đã có giấy phép xây dựng, đã thi công dang dở nên cho tiếp tục. Đồng thời, giá trị của khu đất sẽ phải đánh giá lại, DN sẽ phải đóng thêm tiền. DN phải biết chấp nhận làm ăn có lúc lời, có lúc lỗ. Thực hiện các giải pháp này nhằm mục đích để tránh gây ra xáo trộn quá lớn đối với thị trường bất động sản nói riêng và tình hình kinh tế nói chung. Tránh cho DN phải lâm vào tình cảnh quá khó khăn, thậm chí chí là phá sản.

Ông có lời khuyên nào cho các nhà đầu tư thứ cấp, những người chuyên mua bán lướt sóng?

– Như đã nói ở trên, câu chuyện xem xét lại các dự án bất động sản mọc trên đất công là câu chuyện lớn nhất của thị trường bất động sản 2019. Các nhà đầu tư nên quan tâm tìm hiểu lý lịch dự án, nguồn gốc đất… Nếu không nắm rõ rất dễ lâm vào tình cảnh bấp bênh, lỡ đặt tiền mua căn hộ, nếu dự án bị trì hoãn sẽ không bán lại được căn hộ, nhà đầu tư sẽ khó khăn.

Xin cảm ơn ông!

Theo Đặng Ngọc/Kinh tế & Đô thị