QC 1
Thứ 5, ngày 02/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

‘Rã băng’ tín dụng: Ngân hàng tung ưu đãi, giảm lãi vay ngay đầu năm mới

Trong bối cảnh sức hấp thụ tín dụng còn yếu, các ngân hàng đua nhau tung ra nhiều gói lãi suất ưu đãi, giảm lãi vay ngay từ đầu năm nhằm ‘rã băng’ tín dụng. Song tín dụng được dự báo khó tăng cao trong quý I/2024 và cả năm 2024.

Ngân hàng tung gói lãi suất ưu đãi, giảm lãi vay ngay từ đầu năm

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao toàn bộ hạn mức tín dụng 15% trong năm 2024 một lần cho các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại đã chủ động thúc đẩy tín dụng ngay từ đầu năm, thông qua các gói lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất cho vay và đơn giản thủ tục cho vay.

Điển hình, từ ngày 1/1/2024, Agribank điều chỉnh chính sách lãi suất đối với cho vay trung hạn, dài hạn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống với mức lãi suất cố định chỉ từ 7%/năm. Thời gian áp dụng được nới rộng từ 12 tháng lên 24 tháng. Đồng thời, ngân hàng này cũng điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Đáng lưu ý, từ tháng 2/2024 đến 30/6/2024, Agribank dành 10.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi cho khách hàng cá nhân với lãi suất thấp hơn tối đa 2,5%/năm so với sàn lãi suất cho vay của ngân hàng này.

BVBank cũng vừa tung ra gói cho vay 5.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân. Theo đó, từ ngày 10/1, khách hàng có các khoản vay giải ngân mới với mục đích vay mua, sửa chữa nhà để ở, tiêu dùng cá nhân hoặc bổ sung vốn cho sản xuất kinh doanh sẽ được BVBank áp dụng với lãi suất chỉ từ 5%/năm.

Tương tự, ACB cũng vừa triển khai gói tín dụng xanh, xã hội 2.000 tỷ đồng cùng nhiều ưu đãi dành cho các doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh có lợi cho môi trường và xã hội.

Theo đó, ACB áp dụng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 6%/năm cho các khoản vay ngắn hạn và dài hạn. Các khoản vay còn được lựa chọn duy trì ưu đãi lên đến 24 tháng và được miễn, giảm phí trả nợ trước hạn.

Nam A Bank cũng giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua nhà trên dưới 2%/năm so với cuối đầu 2022.

Sacombank cũng mới bổ sung thêm 20.000 tỷ đồng, nâng tổng gói vay ưu đãi lên 45.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi ở mức 6-7%/năm. Các gói vay phục vụ đời sống có lãi suất thấp hơn, chỉ từ 6,5%/ năm, kéo dài đến hết tháng 3/2024.

Từ nay đến cuối năm nay, SHB dành 18.000 tỷ đồng ưu đãi khách hàng cá nhân vay vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và đời sống như mua nhà, mua ô tô… với lãi suất từ 6,79%/năm. Khách hàng sử dụng thêm các sản phẩm, dịch vụ khác của SHB được giảm thêm tối đa 0,8%/năm.

Bên cạnh các gói vay ưu đãi, nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, ngay những ngày đầu năm 2024, nhiều nhà băng đã tiến hành hạ lãi suất cho vay mua nhà 1-2% so với cuối năm ngoái, xuống quanh 5,9-6,5%/năm.

Lãi suất cho vay mua nhà tại các ngân hàng quốc doanh hiện dao động từ 6,4-7%/năm, giảm 1-1,5% so với cuối năm ngoái.

Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, hiện mức lãi suất cho vay mua nhà dao động 5,9-10,5%/năm.

Theo thông tin mới nhất từ NHNN, đến 31/1/2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm; lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023.

Tín dụng khó tăng cao

Trong bối cảnh thị trường vốn của Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng thì nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất – kinh doanh vẫn luôn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành ngân hàng.

Dù các ngân hàng được giao chỉ tiêu tín dụng ngay từ đầu năm nhưng tăng trưởng tín dụng trong tháng đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây. Vì vậy, NHNN vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh các giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng; triển khai giải pháp ứng dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Đồng thời, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thời gian tới nhằm đẩy vốn ra thị trường.

Tuy được cấp hết hạn mức tín dụng 15% ngay đầu năm nhưng lãnh đạo các nhà băng cho hay trong quý đầu năm, tín dụng khó tăng cao. Lý do là những doanh nghiệp có nhu cầu nhập hoặc dự trữ hàng phục vụ dịp Tết đã vay trong những tháng cuối của năm 2023.

Còn thông thường quý I, tín dụng chưa cải thiện nhiều, nhất là trước bối cảnh sức mua của thị trường còn yếu như hiện nay.

Theo thông tin từ đại diện NHNN, tăng trưởng tín dụng đạt 13,71% tính đến cuối năm 2023, đến cuối tháng 1/2024 đã giảm 0,6% so với đầu năm 2023. Trong đó, mức giảm ở 5/9 nhóm tổ chức tín dụng: nhóm NHTM nhà nước giảm 0,88%, nhóm NHTM cổ phần giảm 0,51%, nhóm ngân hàng TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu giảm 2,22%, nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài giảm 0,32%, nhóm ngân hàng liên doanh giảm 3,41%.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng Giám đốc Vietcombank, đến hết tháng 1/2024, tín dụng đạt 1,24 triệu tỷ đồng. So với cuối năm 2023, giảm 2,3% tương ứng 30.000 tỷ. Nguyên nhân tín dụng giảm ông Tùng cho rằng do xu hướng giảm ngân tiêu dùng bất động sản giảm. Do kinh tế khó khăn, sản xuất khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng 2023 và 2024. Dự án cấp phép năm 2023 ít… Những điều này đã tác động khiến tín dụng tiêu dùng bất động sản giảm năm 2023 và đầu năm 2024.

Đánh giá về tình trạng suy giảm tín dụng trong tháng đầu năm, ông Trần Long – Phó Tổng Giám đốc BIDV cho rằng nguyên nhân chính là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế 2024 còn chậm, gặp nhiều khó khăn thách thức. Động lực tăng trưởng kinh tế  như xuất khẩu, đầu tư tư nhân phục hồi chậm, giải ngân đầu tư công cũng vẫn chậm,… và ảnh hưởng từ những yếu tố bất lợi từ thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho rằng, kinh tế trong nước khó khăn, thu nhập người dân giảm sút, nợ xấu tăng cao… là nguyên nhân dẫn tới việc tăng trưởng tín dụng tiêu dùng ở mức thấp nhất trong 5 năm qua. Thêm vào đó, Việt Nam thiếu một hành lang pháp lý để xử lý những vi phạm liên quan đến hoạt động cho vay cũng như thu hồi nợ nên tín dụng tiêu dùng chưa thể tăng trưởng mạnh.

Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, ngoài đổi mới cơ chế điều hành mức tăng trưởng tín dụng, NHNN tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng trong thời gian tới.

Tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp về tín dụng đã và đang thực hiện, tập trung cho lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; thường xuyên tổ chức đối thoại, kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp theo vùng và các địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp…

Song bên cạnh giải pháp của ngành ngân hàng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành nhằm kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khai thác thị trường nội địa; ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp; xử lý vấn đề tồn tại của thị trường bất động sản, thúc đẩy thị trường này phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV) và Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, mức tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế Việt Nam vào khoảng 13-14%.

BSC kỳ vọng, sự phục hồi thanh khoản trên thị trường bất động sản được cho là yếu tố chính quyết định tốc độ phục hồi của nhu cầu tín dụng trong năm 2024, khi dư nợ bất động sản hiện chiếm hơn 21% tổng dư nợ nền kinh tế.

Nhiều chuyên gia nhìn nhận các vấn đề pháp lý dần được tháo gỡ khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 sẽ giúp thị trường bất động sản bắt đầu sôi động trở lại từ nửa cuối 2024. Điều này sẽ giúp tăng trưởng tín dụng cải thiện trong năm nay.

Theo Minh Dũng/Vietnam Finance