QC 1
Thứ 4, ngày 11/09/2024 | Hotline: 0889.066.066

“Sức khoẻ” tài chính của Vietjet Air ra sao?

Hãng hàng không Vietjet Air của nữ tỷ phú đô la Nguyễn Thị Phương Thảo liên tiếp gặp “vận đen” khi xảy ra 7 sự cố khai thác tàu bay trong thời gian ngắn. Liên tục mở rộng đội tàu bay, tăng chuyến, ồ ạt tuyển dụng, vay nợ “khủng”… đặt ra nghi ngại về sự tăng trưởng quá “nóng” của Vietjet Air.

Tăng trưởng “thần tốc”, Vietjet Air có gì?

Sau 4 năm được cấp phép, hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air mới cất cánh bay thương mại lần đầu tiên vào ngày 24/12/2011 bằng tàu bay A320-200. Đi vào phân khúc hàng không giá rẻ, khởi nghiệp Vietjet Air chỉ có một 1 tàu bay, khai thác 4 chuyến bay/ngay trên tuyến Hà Nội-TP.HCM.

Từ năm 2014, Vietjet Air bất ngờ gây chú ý với hình ảnh những cô gái trẻ năng động, thậm chí mặc bikini từng gây tranh cãi. Cũng nhờ vậy, Vietjet Air nhanh chóng được biết đến, mở rộng mạng lưới đường bay phủ khắp trong và người nước. Đội tàu bay mở rộng lên 20 chiếc với 28 đường bay trong nước và quốc tế đến Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc, Đài Loan. Lượng khách vận chuyển trong năm đạt 5,6 triệu lượt với hệ số sử dụng ghế đạt 88%.

Vietjet Air bắt đầu tăng tốc từ năm 2014 với doanh thu ấn tượng đạt 8.699 tỷ đồng, tăng trưởng 129% so với năm 2013 và duy trì mức tăng trưởng tương tự trong năm 2015, chạm mốc doanh thu kỷ lục 19.999 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.171 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu vận chuyển hành khách tăng mạnh, lần lượt đạt 5.741 tỷ đồng và 8.542 tỷ đồng. Doanh thu từ bán máy bay năm 2014 chỉ chiếm 20% cơ cấu doanh thu song bất ngờ tăng lên tới 44% vào năm 2015 ở mức 8.766 tỷ đồng… Điều này cho thấy việc kiếm từ hoạt động “buôn” máy bay của Vietjet Air còn cao hơn từ bán vé, phụ trợ, đường bay thuê chuyến…

Trong năm 2016-2017, theo BCTC hợp nhất, tổng doanh thu Vietjet Air đã cán mốc ấn tượng 27.644 tỷ đồng và 42.422 tỷ đồng, gấp đôi chỉ trong vòng 2 năm, tăng trưởng lần lượt 38,5% và 53,5%. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng đột biến 5.074 tỷ đồng, gấp 5 lần lợi nhuận năm 2015.

Kết quả kinh doanh Vietjet Air tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn 2015-2018

Kết quả vượt kế hoạch khiến Vietjet Air tự tin đặt mục tiêu doanh thu 50.970 tỷ đồng cho năm 2018. Chỉ 9 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu hợp nhất của hãng này đạt 34.183 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.681 tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với cùng kỳ năm trước.

Đội tàu bay của Vietjet Air được đầu tư ồ ạt nhằm phục vụ cho cả mục đích khai thác và “sales and leaseback” với các hợp đồng mua sắm hàng trăm máy bay từ Airbus và Boeing. Hiện, hãng có tới 61 máy bay A320, A321 với tuổi trung bình 2,96 năm cho hoạt động tăng trưởng “nóng”.

Không chỉ doanh thu liên tục tăng mạnh và mua sắm máy bay, mà từ năm 2017 Vietjet Air còn gây ngạc nhiên trong cuộc đua thị phần nội địa và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng. Theo dữ liệu công bố, Vietjet Air hiện chiếm 45% thị phần vận chuyển hành khách nội địa, vượt mặt Vietnam Airlines chỉ ở mức 38% chỉ sau 7 năm cất cánh. Còn lại Jestar Pacific chiếm 15% và Vasco 2% thị phần.

Thị phần vận chuyển hành khách nội địa. Nguồn: báo cáo kinh doanh Vietjet

Tuy nhiên, hàng loạt sự cố nghiêm trọng xảy ra với các chuyến bay của Vietjet Air gần đây có lẽ là một trong những hệ luỵ của quá trình phát triển quá “nóng”. Đó là các vấn đề trong vận hành, khai thác, quản lý đội tàu bay, đảm bảo an toàn kỹ thuật, chất lượng phi công…

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã nghiêm khắc cảnh cáo Vietjet Air vì để xảy ra các vụ việc uy hiếp an toàn bay, yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn, an ninh hàng không của Vietjet Air, đặt hãng bay vào diện kiểm soát đặc biệt…

Gánh nặng nợ “khủng” 27 nghìn tỷ đồng

Việc đầu tư trong lĩnh vực hàng không đòi hỏi lượng vốn rất lớn cũng như khả năng cân đối tài chính, đảm bảo dòng tiền luân chuyển kinh doanh, đầu tư ổn định và hiệu quả. Với hãng bay trẻ đang trên đà tăng tốc nhanh như Vietjet Air, bài toán tài chính cũng không hề dễ dàng.

Để đáp ứng ngay nhu cầu vốn lớn, Vietjet Air cũng phải “nhờ cậy” tín dụng ngân hàng, vốn cổ đông, vốn tự có, nợ khác để đảm bảo dòng tiền xoay chuyển nhịp nhàng trong hoạt động mua sắm tàu bay, vận hành khai thác, nhiên liệu…

Theo các Báo cáo tài chính hợp nhất giai đoạn 2015-2018, quy mô nợ của Vietjet Air đã “phình” to nhanh chóng. Cụ thể, năm 2015 tổng nợ phải trả mới ở mức 9.897 tỷ đồng thì sau 3 năm đã tăng gấp 2,27 lần, chạm mốc 22.506 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2018. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng 64,3%, tương ứng 14.480 tỷ đồng, còn lại 8.026 tỷ đồng nợ dài hạn. Tốc độ tăng trưởng nợ ngắn hạn gấp 3 lần chỉ trong vòng 4 năm cũng đang đặt ra áp lực cân đối dòng tiền trả nợ của Vietjet Air.

Quy mô nợ phải trả của Vietjet Air “phình” to trong giai đoạn 2015-2018 

Thuyết minh báo cáo cho thấy, Vietjet Air hiện đang vay nợ tại hàng loạt ngân hàng Việt Nam và chi nhánh ngân hàng ngoại.

Đáng chú ý, HDBank – ngân hàng có sở hữu của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, hiện là Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vietjet Air- đã tài trợ vốn nghìn tỷ cho hãng bay này (Nhóm công ty liên quan tới bà Thảo như Sovico, CTCP Địa ốc Phú Long… cũng đang là cổ đông của HDbank). Tính đến 30/9/2018, dư nợ vay của Vietjet Air tại HDbank là 1.339 tỷ đồng (nợ ngắn hạn).

Ngoài ra, Vietjet Air có dư nợ lớn tại các ngân hàng như BIDV (1.998 tỷ đồng), Vietinbank (1.507 tỷ đồng), MB (1.003 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 673 tỷ đồng nợ dài hạn, được thế chấp bằng tàu bay A320), Vietcombank (276 tỷ đồng), ABBank (354 tỷ đồng)…

Dư nợ tại 3 ngân hàng ngoại CityBank Việt Nam, United Overseas Bank và HSBC Việt Nam tổng cộng hơn 486,8 tỷ đồng.

Không chỉ vay nợ ngân hàng, Vietjet Air thời gian qua đã liên tục phát hành tăng vốn điều lệ “khủng” lên 5.416 tỷ đồng, gấp 5,4 lần mức vốn 1.000 tỷ đồng hồi năm 2015. Phát hành cổ phiếu chia cổ tức, chào bán riêng lẻ, bán cho nhà đầu tư nước ngoài… đã được Vietjet Air triển khai để huy động cả nghìn tỷ đồng vốn ở thời điểm trước và sau khi lên sàn chứng khoán HSX.

Đáng chú ý, trong các đợt tăng vốn “gấp”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo và công ty riêng- Công ty TNHH Đầu tư Hướng dương Sunny, Sovico, người nhà… chính là những nhà đầu tư bạo chi nhất mua vào lượng lớn cổ phiếu Vietjet Air. Hiện, những công ty có liên quan đến bà Thảo cùng cá nhân vị nữ tỷ phú này đang nắm gần 52% cổ phần Vietjet Air.

Có thể thấy, quy mô vay nợ “khủng” cùng các đợt hút vốn từ bán cổ phần tăng vốn sẽ là áp lực không hề nhỏ cho ban điều hành Vietjet Air trong việc trả nợ, sinh lời trên vốn cổ đông. Đặc biệt, các chủ nợ ngân hàng đã “rót” hàng nghìn tỷ vào Vietjet Air có lẽ cũng lo lắng khi hãng bay này liên tục gặp sự cố nghiêm trọng, liên quan tới tài sản đảm bảo là các tàu bay, cũng như giải quyết hệ luỵ của giai đoạn tăng trưởng nóng.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, chỉ trong quý 4/2018, Công ty cổ phần hàng không Vietjet đã xảy ra 7 sự cố khai thác tàu bay, trong đó có 5 sự cố do hỏng hóc kỹ thuật tàu bay và 2 sự cố do yếu tố chủ quan của nhân viên hàng không. Đặc biệt là 2 sự cố bay nghiêm trọng liên tiếp xảy ra mới đây, gồm: chuyến bay VJ356 ngày 29/11 rơi bánh lái khi hạ cánh xuống sân bay Buôn Ma Thuột; chuyến bay VJ689 ngày 25/12 đã hạ cánh nhầm xuống đường băng chưa đưa vào khai thác tại sân bay Cam Ranh. 

Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT đánh giá “Tình trạng để xảy ra liên tiếp các sự cố hàng không của các hãng hàng không Việt Nam nói chung và của hãng hàng không Vietjet Air nói riêng đã làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ hàng không, tâm lý của hành khách”. Do đó, Bộ trưởng nghiêm khắc cảnh cáo Vietjet vì để xảy ra các vụ việc uy hiếp an toàn bay trong thời gian vừa qua. Đồng thời, ông Thể yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn, an ninh hàng không đối với việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác tàu bay của Vietjet Air (đặc biệt kiểm tra về bằng cấp, chứng chỉ của Tổ bay, nhân viên kỹ thuật phục vụ các chuyến bay, thời gian làm việc); đánh giá lại toàn bộ yếu tố khai thác quản lý, đảm bảo kỹ thuật đối hãng hàng không VietJet Air. 

Cục Hàng không cũng giám sát đặc biệt VietJet Air, đặc biệt là ở các cảng hàng không, sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh; thực hiện các giải pháp cần thiết đối với Vietjet Air để giảm tối đa các rủi ro có nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không, ngăn ngừa các sự cố tương tự… Vietjet Air tạm thời chưa được cấp phép tăng chuyến bay cho đến khi có kết quả điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố chuyến bay VJ689 ngày 25/12/2018.

Theo Hải Hà/Doanh nghiệp&Thương Hiệu