QC 1
Thứ 6, ngày 26/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Tuần giao dịch cuối tháng 11: Nên hay không nên tất tay đầu tư?

Về cuối tháng 11/2020, việc chỉ số đang tiến sát ngưỡng 1.000 điểm – ngưỡng cản tâm lý rất mạnh cũng khiến dòng tiền đang có phần e ngại. Điểm tích cực là dòng tiền vẫn hấp thụ tốt lượng hàng chốt lời và chỉ số kết thúc phiên tại mức cao nhất trong ngày…

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Cổ phiếu nào “chắp cánh” cho VN-Index phi lên 990 điểm?

VN-Index kết thúc tuần giao dịch vừa qua với mức tăng 2,45% đạt mức 990 điểm; HNX-Index cũng tăng 1,71% lên mức 147.21 điểm. Thanh khoản trung bình trên cả hai sàn biến động cùng chiều. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt gần 446 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 18.21% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 60 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 11.3%.

Thị trường giảm điểm mạnh ngay phiên giao dịch đầu tuần. Song ở 4 phiên tiếp theo VN-Index đã lấy lại sự phục hồi và tăng trưởng tích cực trong đó ba đại diện tác động tích cực nhất lên VN-Index tuần qua là VCB, GAS và HPG đã đóng góp tổng cộng gần 14 điểm tăng cho chỉ số.

Mới đây ngày 18/11, HPG cho biết khối lượng đơn hàng thép cuộn cán nóng (HRC) đã lên tới trên 180,000 tấn cho tháng 1/2021, trong khi thời điểm đó, công ty chỉ có thể cung cấp 90.000 tấn, do phải dành một phần cho sử dụng nội bộ. Điều này có nghĩa nhu cầu thị trường đã vượt 200% so với năng lực sản xuất của HPG.

Không chỉ HPG, tín hiệu lạc quan còn ghi nhận tại hàng loạt mã ngành thép như HSG, SMC hay NKG khi đồng loạt tăng giá khả quan trong tuần qua.

Nhóm dầu khí tiếp tục khởi sắc, những mã đầu ngành như GAS, PLX, PVD, hay PVS đều ghi nhận tuần giao dịch tích cực. Với riêng GAS, ông lớn này vừa tổ chức lễ đón nhận dòng khí đầu tiên từ mỏ Sao vàng – Đại Nguyệt đến đường ống Nam Côn Sơn 2.

Được biết, Dự án phát triển mỏ khí Sao Vàng – Đại Nguyệt thuộc Lô 05-1b và 05-1c, bể Nam Côn Sơn là tiền đề cho sự phát triển của chuỗi Dự án Nam Côn Sơn 2, một trong những dự án trọng điểm của GAS.

Nhóm sản xuất nhựa – hóa chất cũng chuyển động khả quan. Hầu hết các cổ phiếu đại diện trong ngành đều kết thúc tuần với mức tăng tốt. Có thể kể đến như AAA tăng 9,33%, BMP tăng 8,59%, NTP tăng 3,68% hay DGC tăng 3,43%. Trong khi đó, bộ đôi DPM và DCM lại lần lượt giảm 3.37% và 3,16%.

Sắc xanh tiếp tục nắm quyền chủ đạo rổ VN30 với 23 mã tăng và 7 mã giảm điểm. HPG, VCB và VNM là các mã kéo tăng chỉ số nhiều nhất.

Trong khi đó, HNX-Index biến động đồng pha và đã tăng lên mức 147 điểm. ACB, THD và VCS là các mã hỗ trợ tốt nhất cho chỉ số. Ban lãnh đạo của THD vừa thông qua việc vay vốn, mở L/C và sử dụng dịch vụ tại ngân hàng với số tiền lên tới 700 tỷ đồng nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh thực phẩm.

Xu thế dòng tiền: Vừa vượt đỉnh đã lo cản 1.000 điểm?

Mặc dù thị trường đã có một tuần bùng nổ, VN-Index vượt xa đỉnh cao tháng 10 đi cùng với thanh khoản rất lớn nhưng giao dịch lại có nét thận trọng.

Các chuyên gia cho rằng đó có thể là những thận trọng trong ngắn hạn vì ngưỡng tâm lý 1.000 điểm ở ngay trước mặt. Giá cổ phiếu tăng tốt cũng khiến cơ hội lựa chọn ít dần và nhà đầu tư ngại mua đuổi khi dư địa tăng không còn nhiều.

Ngưỡng 1.000 điểm được tất cả các chuyên gia đánh giá là có yếu tố tâm lý mạnh. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng thị trường hoàn toàn có thể được “đánh” lên 1.000 điểm rồi quay đầu giảm. Các ý kiến khác lo ngại áp lực chốt lời lớn. Tuy nhiên điểm tích cực vẫn là dòng tiền có khả năng hấp thụ mạnh mẽ.

Triển vọng ngắn hạn VN-Index có thể tăng tới đâu? Các mốc điểm số được đưa ra khác nhau. Trong trường hợp thị trường vượt qua được ngưỡng tâm lý 1.000 điểm, các mốc có thể hướng tới là 1.010 – 1.026; 1.028 – 1.030; thậm chí cao hơn tới 1.045 – 1.080 điểm.

– Mô hình 2 đỉnh có thể xem như đã được phá vỡ khi VN-Index vượt lên 988 điểm tuần qua. Tuy nhiên phiên cuối tuần thị trường lại tỏ ra khá thận trọng, không giao dịch bùng nổ. Tại sao vậy?

Theo ông Ngô Quốc Hưng – Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS, chỉ số VN-Index đã vượt thời điểm đầu năm và tiệm cận mức cao nhất trong năm nay (tính đến hiện tại), qua đó loại bỏ những lo ngại về việc thị trường tạo mô hình 2 đỉnh. Tuy nhiên, thị trường lại tỏ ra khá thận trọng ở phiên cuối tuần có thể đến từ một số lý do như:

– Về chỉ số, phía trước là ngưỡng tâm lý 1.000 điểm không còn xa (10 điểm), có thể không đủ 1 vòng quay nếu mở thêm vị thế mua mới. Trong năm 2019 thị trường cũng đã có tới 2 lần vượt ngưỡng này tuy nhiên đều không duy trì được lâu.

– Về thanh khoản, thị trường liên tục lập mức cao kỷ lục về thanh khoản, áp lực chốt lời khi thị trường tiến về ngưỡng tâm lý 1.000 điểm sẽ tăng lên dẫn đến lo ngại về dòng tiến mới đổ vào thị trường để hấp thụ lượng hàng kỷ lục về tài khoản liệu có còn được như ở tuần trước hay không.

– Không chỉ thị trường trong nước mà một số thị trường lớn trên thế giới cũng đang ở vùng quá mua, đó cũng là tín hiệu cần thận trọng.

– Nhìn chung, tâm lý nhà đầu tư đang rất lạc quan, từ mức tăng chỉ số, cho tới thanh khoản thuyết phục và các yếu tố cơ bản hay tín hiệu kỹ thuật tích cực. Tuy nhiên, khi nhìn đâu cũng thấy toàn yếu tố thuận lợi, tích cực hơn là khó khăn thì đó cũng chính là lúc nhà đầu tư sẽ trở nên thận trọng.

Theo ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS, tâm lý e ngại thận trọng cũng sẽ càng gia tăng khi thị trường đang tăng lên các mốc điểm mới. Khá nhiều nhà đầu tư cũng bắt đầu thận trọng hơn khi VN-Index đang tiến gần đến mốc kháng cự quan trọng 1.000 điểm. Nhiều cổ phiếu đã tăng điểm liên tục, ngại mua giá cao cũng như tâm lý cảnh giác ở các phiên cuối tuần cũng phần nào phản ánh vào động thái giải ngân.

Mặt khác, điều dễ nhận thấy đó là rất nhiều nhà đầu tư đã quan ngại việc mua đuổi cổ phiếu và mong muốn đợi chờ diễn biến tuần tới như thế nào trước khi “xuống tiền” thêm.

Trong khi đó, ông Đào Tuấn Trung – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank nhấn mạnh, thị trường đã có ba phiên tăng điểm liên tiếp sau phiên giảm điểm mạnh vào đầu tuần, khiến áp lực chốt lời gia tăng.

Ngoài ra, việc chỉ số đang tiến sát ngưỡng 1.000 điểm – ngưỡng cản tâm lý rất mạnh cũng khiến dòng tiền có phần e ngại. Điểm tích cực là dòng tiền vẫn hấp thụ tốt lượng hàng chốt lời và chỉ số kết thúc phiên tại mức cao nhất trong ngày.

Theo Quân Vương/ Kinh tế chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/tuan-giao-dich-cuoi-thang-11-nen-hay-khong-nen-tat-tay-dau-tu-82341.html