QC 1
Thứ 6, ngày 26/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

VietinBank: Tăng tỉ lệ bao phủ vì nợ xấu tăng mạnh?

Dù được cho là đang kiểm soát nợ xấu ở ngưỡng cho phép nhưng VietinBank đã tăng tỉ lệ bao phủ nợ xấu lên 169% để tăng khả năng phòng thủ của ngân hàng này.

Vào ngày 3/11/2021, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường, ông Trần Minh Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) VietinBank – cho biết tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng là 1,6% tính tới 31-10-2021 và đang tiếp tục được kiểm soát để đảm bảo nhiệm vụ đề ra. Trong đó, tỷ lệ nợ nhóm 2 là 0,62%.

Ông Minh Bình cũng khẳng định chỉ tiêu nợ xấu của VietinBank vẫn đảm bảo đúng mục tiêu đã được cổ đông tham dự kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 thông qua. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu sẽ được ngân hàng kiểm soát ở mức 1,4% tính tới cuối năm 2021.

Ngân hàng cũng sẽ đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu (được dùng để đánh giá khả năng phòng thủ của ngân hàng trước những rủi ro liên quan đến nợ xấu) lên 169%. Còn chi phí dự phòng cả năm dự kiến ở mức 17.000 tỉ đồng.

Tại Đại hội này, phía VietinBank cũng công bố các số liệu cho thấy, biết ngân hàng đã thực hiện cơ cấu nợ cho khoảng 2.000 khách hàng với số dư nợ 10.300 tỉ đồng. Tổng số tiền giảm lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng của VietinBank khoảng 6.000 tỉ đồng. Con số này dự kiến ở mức 7.000 – 8.000 tỉ đồng tính tới cuối năm 2021.

Tổng tài sản của VietinBank tăng 8,1% sau 10 tháng của năm 2021. Còn tín dụng tăng 8%. Tổng nguồn vốn của ngân hàng tăng gần 8%. Các chỉ tiêu tuân thủ của ngân hàng gồm tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) đạt 82,86%, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) đạt hơn 9%, hệ số NIM đạt khoảng 3%.

Trước đó, theo báo cáo tài chính quý 3/2021 của VietinBank cho thấy, lợi nhuận của nhà băng này đang đi ngang so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý 3/2021, VietinBank có tổng cộng 12.256 tỷ đồng doanh thu. Thu nhập lãi thuần ngân hàng ghi nhận trong quý III đạt 9.872 tỷ, chỉ tăng 9%; thu từ hoạt động dịch vụ đạt 1.154 tỷ, cũng tăng 9%. Tương tự, số thu từ kinh doanh ngoại hối trong quý là 499 tỷ, chỉ cao hơn 5% so với cùng kỳ.

Mảng kinh doanh có tăng trưởng tốt nhất của VietinBank trong quý vừa qua là mua bán chứng khoán đầu tư với việc mang về 233 tỷ đồng, cao hơn 120% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy vậy, lãi thuần từ hoạt động khác của ngân hàng lại giảm gần một nửa từ mức 682 tỷ xuống 365 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế của VietinBank đi ngang trong quý này, đạt 3.061 tỷ đồng. So với quý III/2020, mức lãi kể trên chỉ tăng khoảng 5%.

Lũy kế 9 tháng từ đầu năm, ngân hàng có dư nợ tín dụng cao thứ 3 cả nước ghi nhận tổng cộng 39.261 tỷ doanh thu, tăng 22%. Lợi nhuận trước thuế nhà băng này thu về được cùng giai đoạn là 13.911 tỷ đồng, vẫn cao hơn 34% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng mẹ VietinBank 9 tháng đầu năm nay đạt 13.634 tỷ đồng, tăng 35%. Nếu so với kế hoạch 16.800 tỷ đồng ban lãnh đạo đề ra từ đầu năm, ngân hàng đã hoàn thành 81% chỉ tiêu sau 3/4 năm tài chính.

Báo cáo cho thấy, VietinBank phải chi ra hơn 14.000 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 22% so với cùng kỳ. Riêng quý III, ngân hàng đã trích lập 5.500 tỷ đồng.

Hết quý 3/2021, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng của ngân hàng này là 21.500 tỷ đồng, tăng 71% so với đầu năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu hiện ở mức 119%.

Đến cuối quý III, tổng tài sản của VietinBank vào khoảng 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Trong đó, số dư cho vay khách hàng đạt trên 1,084 triệu tỷ đồng, tăng 7% và tiền gửi của khách hàng đạt hơn 1,072 triệu tỷ đồng, cũng tăng 8%.

Tuy nhiên, cùng với đà tăng dư nợ cho vay kể trên, chất lượng cho vay của VietinBank cũng xấu đi rõ rệt với tổng nợ xấu tăng đến 90%, đạt trên 18.097 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9. Trong đó, gần 2/3 trong đó là nợ nhóm 4 – nợ nghi ngờ với số dư hơn 11.630 tỷ đồng.

Trước đó, báo cáo tài chính quý 2/2021 của VietinBank cho thấy, thu nhập lãi thuần riêng quý II/2021 đạt 10.878 tỷ đồng (tăng 39,5% so với cùng kỳ năm ngoái); hoạt động dịch vụ đem về 1.357 tỷ đồng (tăng 23,1%); lãi thuần từ hoạt động khác 1.134,3 tỷ đồng (tăng gấp 5,8 lần)… Nhờ đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt hơn 9.896,3 tỷ đồng, tăng gần 48%.

Kinh doanh tích cực là thế, nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 7.106 tỷ đồng, tăng 222%, đã đẩy lãi sau thuế ngân hàng chỉ còn 2.206,4 tỷ đồng, tương đương giảm 38%.

Việc chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng nhiều khả năng do nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tính đến ngày 30/6/2021 là 12.293 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với số đầu năm.

Trong khi đó, giải trình về việc lợi nhuận sau thuế giảm, phía Vietinbank cho rằng ngân hàng trong quý II/2021 chủ động trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ được cơ cấu theo Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước nhằm giúp ngân hàng chủ động nâng cao năng lực tài chính, khả năng chống chịu trước các rủi ro có thể có từ nền kinh tế.

Thông tin đáng chú ý, một trong những đối tác tín dụng lớn của Vietinbank là CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả – công ty con của Tập đoàn Đèo Cả, tính đến hết quý II/20121 Đèo Cả đang nợ ngân hàng này hơn 19.663 tỷ đồng, chiếm chủ yếu tổng nợ vay của Đèo Cả (25.355 tỷ đồng).

Theo Ngọc Cương/Ngày Nay

Nguồn: https://ngaynay.vn/vietinbank-tang-ti-le-bao-phu-vi-no-xau-tang-manh-post114606.html