QC 1
Thứ 5, ngày 02/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Vietnam Airlines lỗ ròng 3.535 tỷ đồng trong 9 tháng

Trong 9 tháng qua, Vietnam Airlines ghi nhận tổng doanh thu gần 68.100 tỷ đồng, nhưng vẫn lỗ ròng lên tới 3.535 tỷ đồng.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 với kết quả kinh doanh có điểm sáng.

Trong kỳ, tổng doanh thu tăng trưởng 11,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 23.753 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu quý cao nhất của hãng từ khi đại dịch covid-19 bùng phát đến nay. 

Lợi nhuận gộp quý 3 đạt 1.240 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lãi rất mỏng 165 tỷ đồng của quý 3/2022. Tổng công ty bị lỗ sau thuế gần 2.300 tỷ đồng trong quý 3 và  là quý thứ 15 liên tiếp có mức lợi nhuận âm (từ quý 1/2020 đến nay). 

Lũy kế 9 tháng qua, Vietnam Airlines đạt doanh thu gần 68.100 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt hơn 4.100 tỷ đồng trong kỳ cùng kỳ năm trước lỗ gộp 1.798 tỷ đồng. 

Tuy vậy, sau khi trừ các chi phí, tổng công ty vẫn và lũy kế 9 tháng qua lỗ ròng tới 3.535 tỷ đồng.

Vietnam Airlines bị lỗ sau thuế gần 2.300 tỷ đồng trong quý 3 và là quý thứ 15 liên tiếp thua lỗ 

Mặc dù đã khắc khục giảm được gần một nửa số lỗ của cùng kỳ năm trước (lỗ 7.783 tỷ đồng), song hãng bay quốc gia vẫn báo lỗ trong suốt 4 năm qua. Trong đó riêng công ty mẹ lỗ 3.743 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/9/2023, tổng tài sản của Vietnam Airlines vẫn duy trì ở mức 60.327 tỷ đồng như hồi đầu năm. Trong đó tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn gần 3.900 tỷ. Phần lớn tài sản ngắn hạn nằm ở khoản phải thu và hàng tồn kho, ở mức hơn 5.800 tỷ đồng và hơn 4.000 tỷ đồng.

Đến cuối kỳ, tổng nợ phải trả của Vietnam Airlines tăng 5% so với đầu năm, lên hơn 74.200 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là 59.800 tỷ đồng.

Do liên tục kinh doanh thua lỗ lớn trong 4 năm, nên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đến cuối quý 3 bị âm tới 13.950 tỷ đồng. Tổng số lỗ lũy kế lên tới 37.932 tỷ đồng.

Vietnam Airlines cho biết vẫn chưa cân bằng được thu chi trong hoạt động kinh doanh vận tải

Theo giải trình của Vietnam Airlines, số lỗ sau thuế hợp nhất quý 3 giảm đáng kể là nhờ giảm lỗ của doanh nghiệp vận tải và các công ty con kinh doanh có lãi so với cùng kỳ năm trước.

Hơn nữa, do thị trường vận tải thời gian qua từng bước phục hồi và tổng công ty chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn như điều hành linh hoạt cung ứng tải vận chuyển, giảm thiểu chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ… nên mức lỗ quý 3 đã thấp hơn so với cùng kỳ 2022.

Vietnam Airlines đánh giá hoạt động kinh doanh vận tải hàng không tuy có cải thiện nhưng vẫn chưa cân bằng được thu chi do thị trường quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn về mức trước dịch (năm 2019), nhất là các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, Hongkong, Đài Loan…

Các yếu tố chiến tranh, rủi ro tài chính và chi phí đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá, lãi suất vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh của hãng.

Theo báo cáo vào tháng 9 của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính Vietnam Airlines có thể lỗ trước thuế 4.515 tỷ đồng trong năm nay.

Về biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu HVN bị kiểm soát, Vietnam Airlines cho biết đã hoàn thành đề án cơ cấu lại tổng công ty giai đoạn 2021 – 2025. Cổ phiếu HVN hiện đối mặt nguy cơ bị hủy niêm yết do đã lỗ 3 năm liên tiếp. 

Trong đề án, năm 2023 và các năm tiếp theo, Vietnam Airlines sẽ thực hiện các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu. 

Hãng cũng sẽ tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sau khi được phê duyệt.

Theo Nguyễn Hằng/Tạp chí Việt-Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/nhip-cau-doanh-nghiep/vietnam-airlines-lo-rong-3-535-ty-dong-trong-9-thang-491255.html