QC 1
Thứ 2, ngày 13/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

4 ngân hàng Nhà nước lớn đầu tư và thoái vốn ngoài ngành ra sao?

Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2022, tổng giá trị đầu tư ngoài ngành của 4 ngân hàng Nhà nước chi phối vốn (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) đạt trên 21.926 tỷ đồng.

Chính phủ vừa có Báo cáo số 482 /BC-CP gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó nêu rõ về tình hình tài chính và hoạt động của 4 ngân hàng thương mại nhà nước.

Cụ thể, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank).

Báo cáo cho biết, trong năm 2022, ngành ngân hàng nói chung và khối ngân hành thương mại Nhà nước tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước sau khi nền kinh tế đã bắt đầu phục hồi sau đại dịch.

Đến cuối năm 2022, tổng nợ phải trả và vốn chủ sở hữu (tổng nguồn vốn) của 4 ngân hàng thương mại nhà nước đạt 7.617.693 tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021.

Cơ cấu nguồn vốn huy động vẫn chiếm tỷ trọng lớn là lượng tiền gửi khách hàng.

Các khoản nợ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là 330.754 tỷ đồng, tăng 376% so cuối năm 2021.

 Chính phủ báo cáo kết quả  đầu tư vốn và thoái vốn ngoài ngành của Big4 ngân hàng lớn

Đến cuối năm 2022, kết quả triển khai đầu tư vốn và thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng như sau: Vietinbank ghi nhận tổng số dư đầu tư góp vốn, mua cổ phần tại các công ty con, công ty liên kết, đơn vị nhận vốn khác đạt 4.844 tỷ đồng.

Vietinbank có khoản đầu tư ra nước ngoài là 50 triệu USD tại Ngân hàng TNHH Công thương Việt Nam tại Lào (Vietinbank Lào) và luỹ kế lợi nhuận chuyển về nước là 13,122 triệu USD.

Năm 2022, dự án có lợi nhuận vượt kế hoạch với tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 5,42%. Do ngân hàng đang làm thủ tục tăng vốn điều lệ từ 50 triệu USD lên 62 triệu USD để đạt mức vốn pháp định theo pháp luật Lào nên không chuyển lợi nhuận về nước.

Năm 2022, VietinBank đã thoái vốn các khoản đầu tư ngoài ngành theo đề án cơ cấu lại doanh nghiệp: thoái vốn tại Công ty Vietinbank Leasing; rút giảm vốn tại Công ty Quản lý quỹ (QLQ); thoái vốn tại Công ty Cảng Hải Phòng/Cảng Sài Gòn (PHP/SGP); rút giảm vốn tại Công ty cổ phần chứng khoán Vietinbank (CTS).

Tại BIDV, tổng giá trị các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết, công ty liên doanh và đầu tư tài chính năm 2022 là 8.132,87 tỷ đồng, chiếm 15,1% vốn điều lệ và Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, giữ nguyên so với năm 2021.

BIDV đã nhận tổng cổ tức từ các công ty con năm 2022 (cổ tức năm 2021) là 158,034 tỷ đồng; cổ tức nhận được từ công ty liên kết năm 2022 là 110,79 tỷ đồng; cổ tức từ các khoản đầu tư tài chính là 35,174 tỷ đồng.

BIDV hiện có 3 dự án đầu tư tại nước ngoài gồm: (1) Ngân hàng liên doanh Lào-Việt (LVB) tại Lào (BIDV góp vốn bằng tiền mặt với tổng giá trị tương đương 63.666,428 nghìn USD); (2) BIDV – Chi nhánh Yangon tại Myanmar (BIDV đã góp vốn bằng tiền mặt là 85 triệu USD) và (3) Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC) tại Campuchia (BIDV đã góp vốn bằng tiền mặt là 99.096,489 nghìn USD).

Giới hạn các chỉ tiêu an toàn của BIDV đảm bảo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước nhưng vẫn còn chỉ tiêu “giới hạn góp vốn mua cổ phần vào 1 doanh nghiệp” vượt 11%.

Với Vietcombank, đến cuối năm 2022, tổng giá trị vốn đầu tư của ngân hàng là 6.681,19 tỷ đồng, chiếm 12,2% vốn điều lệ và Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về giới hạn góp vốn mua cổ phần.

Hiện Vietcombank đang đầu tư vào 10 công ty con, công ty liên kết đều hoạt động ổn định, gồm 7 công ty hoạt động ở trong nước và 3 công ty hoạt động tại nước ngoài. Năm 2022, ngân hàng thu được hơn 580 tỷ đồng từ cổ tức tiền mặt và cổ phiếu, thu lãi từ thoái vốn…

Trong năm 2022, Vietcombank đã thực hiện tăng thêm vốn đầu tư tại Công ty TNHH chứng khoán Vietcombank; thoái toàn bộ vốn đầu tư tại Quỹ bảo lãnh tín dụng nhỏ và vừa TP.HCM; thoái một phần vốn đầu tư tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Ngân hàng thực hiện tăng giảm vốn đầu tư tại các đơn vị theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt.

Đối với Agribank, đến cuối năm 2022, tổng giá trị đầu tư vào doanh nghiệp khác đạt 2.268,2 tỷ đồng, giảm 118 tỷ đồng so cuối năm 2021, trong đó gồm 5 công ty con và 3 khoản đầu tư vào các doanh nghiệp khác. Hiện ngân hàng đang sở hữu 100% tại 3 công ty gồm: Công ty TNHH MTV Dịch vụ Agribank; Công ty Cho thuê tài chính I, Công ty Agribank AMC. Và 2  công ty sở hữu dưới 100% vốn điều lệ là Agriseco và ABIC9.

Agribank còn đầu tư vào 3 doanh nghiệp khác là CTCP tập đoàn Công nghệ CMC (CMC); CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS); Quỹ bảo lãnh tín dụng Yên Bái. Đáng chú ý, ngân hàng đang xử lý tổn thất 2 khoản đầu tư tại Công ty tài chính II – ALC II và CTCP Vận tải Vinaconex – VCV).

Trong năm 2022, Agribank không đầu tư thêm vốn cho các đơn vị trực thuộc và đối tác bên ngoài, đảm bảo đúng tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần các doanh nghiệp khác.

Trong năm 2022, các công ty con của Agribank đều kinh doanh có lãi, chia cổ tức về cho Agribank với các khoản cổ tức đáng kể như: 43,6 tỷ đồng cổ tức năm 2020 của Công ty Napas; cổ tức năm 2020 – 2021 bằng cổ phiếu của Tập đoàn công nghệ là 258.229 cổ phiếu (tỷ lệ 9% năm 2020 và 38% năm 2021) và năm qua Agribank đã bán cổ phần CMC thu về 244,6 tỷ đồng; cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu của ABIC là 4.446.000 cổ phiếu (tỷ lệ 20%).

 Báo cáo của Chính phủ cũng đề cập tới tình hình nợ xấu của Big4 ngân hàng thương mại nhà nước với tổng số nợ xấu năm 2022 của 4 ngân hàng là 78.240 tỷ đồng, tăng 23,24% so với năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu năm 2022 là 1,33% (tăng 11%).
Khối ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục chú trọng thực hiện quyết liệt các biện pháp để nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, thu hồi nợ xấu và xử lý bằng dự phòng rủi ro…
Đến cuối năm 2022, tổng số dư các khoản nợ được cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 09/2014/TTNHNN và Quyết định số 780/QĐ-NHNN của khối ngân hàng thương mại Nhà nước là 2.831 tỷ đồng, giảm 29,84%, trong đó các ngân hàng giảm dần số dư các khoản nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ (Vietcombank chỉ còn 68 tỷ đồng dư nợ; BIDV không còn dư nợ).
Kết quả xử lý nợ xấu khá tích cực nên tổng nợ xấu của Big4 ngân hàng thương mại Nhà nước được xử lý trong năm 2022 thông qua các hình thức: khách hàng trả nợ, bán phát mại tài sản; trích lập dự phòng đạt 119.888 tỷ đồng, tăng 60.381 tỷ đồng (101%) so cuối năm 2021; trong đó, sử dụng dự phòng rủi ro 62.599 tỷ đồng, tăng 23.686 tỷ đồng (61%) so cuối năm 2021.

Theo Hải Hà/Tạp chí Việt Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/nhip-cau-doanh-nghiep/4-ngan-hang-nha-nuoc-lon-dau-tu-va-thoai-von-ngoai-nganh-ra-sao-490938.html