QC 1
Thứ 2, ngày 29/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chứng khoán phiên 3/1: Có thể điều chỉnh trở lại

Thị trường chứng khoán kết phiên giao dịch đầu năm 2024 tăng nhẹ, tuy nhiên theo SSV, đà lan tỏa tăng khá thấp khi có tới 299 mã cổ phiếu đỏ nhiều hơn số cổ phiếu xanh và nhóm vốn hóa lớn có sự phân hóa mạnh, kết hợp với chỉ báo động lượng STOCH RSI đang có dấu hiệu cắt xuống đường tín hiệu, báo hiệu khả năng thị trường đi ngang hoặc điều chỉnh cao trong phiên sắp tới…

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/1, sàn HOSE có 197 mã tăng và 299 mã giảm, VN-Index tăng 1,79 điểm (+0,16%), lên 1.131,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 842,2 triệu đơn vị, giá trị 17.111,4 tỷ đồng, tăng hơn 18% về khối lượng và 8% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 65 triệu đơn vị, giá trị 1.272,7 tỷ đồng.

Cổ phiếu VCB sau phiên cuối tuần trước bị đẩy xuống đáy 7 tháng, hôm nay có thời điểm đã tăng vọt 4,1%, trước khi thoái lui nhẹ đôi chút về cuối phiên và đóng cửa +4% lên 83.500 đồng, và đóng góp tới gần 5 điểm tích cực cho VN-Index. Theo sau VCB vẫn là ACB khi có một phiên giao dịch khá tốt, +2,3% lên 24.450 đồng. Bên cạnh đó là một cổ phiếu lớn khác MSN +2,1% lên 68.400 đồng.

Nhích hơn 1% trong nhóm bluechip chỉ còn VIB, VNM, MBB và SHB, trong đó, SHB phiên này khớp lệnh tốt nhất rổ VN30 khi có hơn 24,6 triệu đơn vị.

VN-Index đóng cửa trên 1.130 điểm là tín hiệu tích cực cho thấy thị trường đã vượt cản 1.130 điểm

Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu giảm cũng hãm đà rơi, giúp chỉ số không giảm thêm, với HDB -2%, VPB -1,8%, HPG -1,8% BCM -1,6%, VIC -1,4%, còn FPT, MWG, VRE, BID, VJC chỉ giảm nhẹ.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ chia đôi ngả, với lực cầu gia tăng tại một số đáng kể như CRC, NTL, ABS, ST8, TTF, HNG khi đều tăng kịch trần khi đóng cửa. Trong đó, HNG khớp lệnh hơn 19,4 triệu đơn vị – mức cao nhất kể từ cuối tháng 6/2023, và còn dư mua giá trần hơn 3,44 triệu đơn vị trong phiên hôm nay.

Cổ phiếu liên quan đến HNG là HAG cũng đã có phiên tăng khá +3% lên 13.600 đồng, khớp hơn 21,2 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu tăng đáng kể khác còn BMP +4,5% lên 109.000 đồng, TSC +4,3% lên 3.900 đồng, TV2 +4,1% lên 39.350 đồng, HCM +4% lên 24.700 đồng. Các cổ phiếu DPM, SIP, TNH, FIT, CSV nhích trên dưới 2,5%.

Trái lại, khá nhiều cổ phiếu nới đà giảm do lực bán chốt lời lấn át, với GEX là đại diện đáng chú ý nhất khi -6,14% xuống 22.150 đồng, khớp tới hơn 45,77 triệu đơn vị, khối lượng cao nhất kể từ cuối tháng 6/2023.

Một số cổ phiếu tiêu biểu ở các nhóm ngành như thép, công ty chứng khoán cũng giảm như CTS, BSI, FTS, APG mất 2-3%, còn NKG và HSG giảm 3,7% và 2,9%.

Trên sàn HNX, nhiều cổ phiếu nới rộng thêm đôi chút đà giảm cũng khiến HNX-Index lùi về gần sát mức thấp nhất ngày khi đóng cửa, dù tổng thể mức giảm cũng không quá sâu. Chốt phiên, sàn HNX có 78 mã tăng và 75 mã giảm, HNX-Index giảm 1,05 điểm (-0,45%), xuống 229,99 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 59,3 triệu đơn vị, giá trị 1.155 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,02 triệu đơn vị, giá trị 79,7 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng hạ độ cao trong phiên chiều, trước khi có nhịp nảy nhẹ vào cuối phiên, đưa chỉ số này về mức kết phiên sáng. Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,54 điểm (+0,62%), lên 87,58 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 34,7 triệu đơn vị, giá trị 469 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,08 triệu đơn vị, giá trị 81 tỷ đồng.

Nhận định của các công ty chứng khoán

Theo Chứng khoán Asean (Aseansc), phiên giao dịch 02/01 thị trường hình thành mẫu nến giảm điểm thân hẹp, đóng cửa ở vị trí tương đương phiên trước với thanh khoản gia tăng mạnh, thể hiện trạng thái giằng co và thận trọng khi áp lực tâm lý vẫn lớn, bất chấp dòng tiền nhập cuộc.

Bên cạnh đó, giá duy trì trên hai đường EMA6 và EMA20 thể hiện xu hướng chưa có nhiều thay đổi sau khi tiếp cận vùng đỉnh cũ và cần tiếp tục thắt chặt nhằm giảm áp lực bán. Thị trường có xu hướng tiếp tục đi ngang và rung lắc trong ngắn hạn, trước khi đi lên tiếp cận vùng kháng cự 1.156 điểm.

Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng, VN-Index kết phiên 02/01 với mẫu hình nến có giá đóng cửa thấp hơn mức giá mở cửa ngay tại vùng kháng cự quanh 1.130 điểm cho thấy áp lực chốt lời vẫn đang hiện diện khá mạnh tại đây, trong khi ý định đánh bứt phá khỏi mức cản này chưa rõ ràng.

Chỉ báo MACD và RSI vẫn đang duy trì tín hiệu tích cực cho thấy xu hướng tăng vẫn đang được ủng hộ. TPS cho rằng nhịp tăng xuất phát từ ngày 19/12/2023 là chưa kết thúc. Tuy nhiên, vị thế hiện tại đã cách điểm mua khá xa và với các diễn biến vừa qua, rủi ro của thị trường vẫn đang ở mức cao.

Nhà đầu tư nên tranh thủ chốt lời những khi thị trường hưng phấn trong phiên nhằm bảo toàn lợi nhuận và chỉ mở vị thế mua mới khi nhóm vốn hóa vừa lấy lại đà tăng.

Với Chứng khoán Đông Á (DAS), phiên giao dịch đầu năm (02/01) sôi động nhưng lực bán khá mạnh làm cho chỉ số chỉ tăng nhẹ. Cổ phiếu ngân hàng là bệ đỡ hôm nay khi nhóm này vừa có tỷ trọng lớn vừa có mức tăng cao. VN-Index thoát đáy và đi lên mạnh trong hai tháng cuối năm vừa qua, kỳ vọng sẽ quay lại chu kỳ tăng trưởng từ năm 2024.

Chiến lược giao dịch hợp lý là đầu tư theo xu hướng, nắm giữ danh mục trung dài hạn. Quan tâm nhóm cổ phiếu chứng khoán, bán lẻ, ngân hàng, xây dựng hạ tầng và cổ phiếu khu công nghiệp.

Còn theo Shinhan Việt Nam (SSV), VN-Index đóng cửa trên 1.130 điểm là tín hiệu tích cực cho thấy thị trường đã vượt cản 1.130 điểm. Tuy nhiên, đà lan tỏa tăng của phiên 02/01 thấp khi có tới 299 mã cổ phiếu đỏ nhiều hơn số cổ phiếu xanh, và nhóm vốn hóa lớn có sự phân hóa mạnh.

Kết hợp với chỉ báo động lượng STOCH RSI đang có dấu hiệu cắt xuống đường tín hiệu, báo hiệu khả năng thị trường đi ngang hoặc điều chỉnh cao. Vì thế kịch bản cơ sở là thị trường sideway vùng 1.130 rồi vượt thoát hoàn toàn vùng này có xác suất xảy ra cao nhất.

Theo Nguyên Nam/Kinh tế Chứng khoán

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/chung-khoan-phien-31-co-the-dieu-chinh-tro-lai-218129.html