QC 1
Thứ 6, ngày 26/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Năm 2018 Tập đoàn FLC lãi ròng 400 tỷ, “gánh” nợ phải trả 16,9 nghìn tỷ

Năm 2018, tổng doanh thu của Tập đoàn FLC (mã: FLC) đạt 12.657 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 586 tỷ đồng, chỉ bằng 84% kế hoạch sau điều chỉnh giảm. Liệu FLC có thể chạm tới mục tiêu 30 nghìn tỷ doanh thu năm nay hay không?

Mảng kinh doanh Hàng không Bamboo Airways có thể đóng góp 1/3 doanh thu cho Tập đoàn FLC

Lợi nhuận sụt giảm 42%

Tập đoàn FLC vừa công bố báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất quý 4/2018 với nhiều chỉ tiêu kinh doanh không hoàn thành kế hoạch.

Cụ thể, trong quý 4/2018, doanh thu thuần hợp nhất đạt 4.147 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ quý 4/2017. Lợi nhuận gộp đạt nhỉnh hơn cùng kỳ năm trước ở mức 333 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh 40% lên 419 tỷ đồng, nâng luỹ kế cả năm lên 893 tỷ đồng.

Quý 4.2018 cũng ghi nhận sự tiết giảm chi phí tài chính giảm xuống mức 156 tỷ đồng. Song chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng đột biến lên lần lượt 177 tỷ đồng và 159 tỷ đồng… Lợi nhuận trước thuế quý 4 đạt 276 tỷ đồng, tăng mạnh 35% so với cùng kỳ quý 4/2017 và lãi sau thuế đạt 234 tỷ đồng.

Giải trình về kết quả kinh doanh quý 4/2018, Tập đoàn FLC cho biết lợi nhuận kỳ này tăng mạnh 37% chủ yếu là doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh 40%.

Luỹ kế cả năm 2018, Tập đoàn FLC ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt 12.657 tỷ đồng,  tăng 6,6% so với năm 2017. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế đạt lần lượt 586 tỷ đồng và 400 tỷ đồng, chỉ bằng 84% kế hoạch Đại hội cổ đông thông qua (sau điều chỉnh LNTT 700 tỷ đồng và LNST 560 tỷ đồng) và chỉ đạt 60% mục tiêu ban đầu.

 

 Tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản của Tập đoàn FLC giai đoạn 2015-2019. Nguồn: các báo cáo tài chính hợp nhất

Tại thời điểm 31/12/2018, tổng tài sản của Tập đoàn FLC tiếp tục tăng thêm 3.069 tỷ đồng lên mức 25.864 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 8954 tỷ đồng.

Nợ phải trả “phình” to lên 16,9 nghìn tỷ  

Cùng với việc mở rộng đầu tư, kinh doanh nhiều dự án lớn trong 3 năm gần đây, quy mô nợ của Tập đoàn FLC đã “phình” to nhanh chóng, lên con số kỷ lục 16.910 tỷ đồng Nợ phải trả. Trong đó, chiếm 79,6% là Nợ phải trả ngắn hạn mà chủ yếu là các khoản mục Người mua trả tiền trước 3442 tỷ đồng, phải trả người bán 1940 tỷ đồng, phải trả khác 3948 tỷ đồng, nợ thuế và nghĩa vụ tài chính 321 tỷ đồng… Hệ số Nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,89 lần và được kiểm soát thận trọng nhờ tập đoàn này đã thực hiện tăng vốn rất nhanh trong 4 năm qua.

Đáng chú ý, quy mô vay và nợ thuê tài chính của Tập đoàn FLC đã tăng khá mạnh trong vài năm gần đây. Theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2018, Tập đoàn FLC đã có quan hệ tín dụng với 10 tổ chức tài chính trong nước và quốc tế với tổng dư nợ đến cuối năm 2018 lên tới 5.113 tỷ đồng, bằng tới 57% vốn chủ sở hữu tập đoàn.

Có thể kể đến các khoản nợ vay lớn nhất tập trung ở một số ngân hàng như BIDV (dư nợ 1.622 tỷ đồng), Credit Suisse AG (dư nợ 697 tỷ đồng), Vietinbank (566 tỷ đồng), PVcombank (558 tỷ đồng), Ngân hàng Phương Đông – OCB (537 tỷ đồng), NCB (235 tỷ đồng)… Các khoản vay này có lãi suất kỳ đầu tư 9,8%/năm, lãi suất các kỳ sau bằng lãi tiền gửi 12 tháng cộng biên độ 3,3-3,5%/năm… Tài sản bảo đảm nợ vay chính là toàn bộ tài sản hình thành từ vốn vay và vốn tự có của các dự án bất động sản, ô tô, cổ phiếu FLC và ROS…

  Cơ cấu vay nợ tại 10 tổ chức tín dụng của Tập đoàn FLC năm 2018. Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2018

Đối với các khoản nợ vay tại OCB, Tập đoàn FLC đã thế chấp 2 dự án chung cư gồm dự án FLC Twin Tower tại 265 Cầu Giấy, Hà Nội và dự án FLC Star Tower tại 418 Quang Trung, Hà Đông để đảm bảo cho 2 hợp đồng tín dụng với hạn mức tổng cộng 930 tỷ đồng. Ngoài ra, 5 biệt thự tại Mỹ Đình, Hà Nội cũng được thế chấp cho OCB để đảm bảo cho khoản vay 100 tỷ đồng…

Bên cạnh vay tín dụng, FLC đã được 2 ngân hàng tài trợ vốn cho thông qua hình thức mua trái phiếu doanh nghiệp gồm SHB (361 tỷ đồng), OCB (281 tỷ đồng).

Tham vọng doanh thu 30 nghìn tỷ

Mặc dù kết quả kinh doanh năm 2018 đạt thấp song ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC vẫn hé lộ mục tiêu doanh thu năm 2019 sẽ ở mức 30.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,55 lần so với số thực hiện năm qua. Dự kiến, có khoảng 1/3 doanh thu sẽ đến từ mảng kinh doanh hàng không mới mẻ.

Trong Thư chúc tết gửi cán bộ nhân viên mới đây, ông Quyết cho biết Tập đoàn FLC hiện có gần 230 dự án đang triển khai, nghiên cứu đầu tư trên 56 tỉnh thành cả nước. Cùng với việc đưa vào vận hành, khai thác hãng hàng không Bamboo Airways từ ngày 16/1/2019, kết nối du khách tới các khu nghỉ dưỡng của FLC… hứa hẹn sẽ gia tăng doanh thu bán bất động sản, dịch vụ.

Trước hoài nghi về con số 30 nghìn tỷ doanh thu năm nay, ông Trịnh Văn Quyết viết: “Liệu có thể làm được điều này hay không? Câu hỏi này chắc chắn không hề xa lạ với người FLC. Khi FLC xây dựng tòa nhà đầu tiên tại Hà Nội với vốn ít, kinh nghiệm hầu như bằng không, rất nhiều người đã đặt câu hỏi. Khi FLC xây những quần thể nghỉ dưỡng đầu tiên giữa vùng đầm lầu rồi vùng cát hoang hóa không ai muốn đặt chân tới, cũng vẫn câu hỏi này được đặt ra. Và khi FLC công bố thông tin về việc thành lập hãng hàng không trong năm 2017, thì trong hàng trăm câu hỏi gửi về, câu hỏi nào cũng không giấu được sự hoài nghi.”

Theo Hải Hà/Doanh nghiệp& thương hiệu