QC 1
Thứ 5, ngày 02/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

10 ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam

10 ngân hàng sở hữu vốn hóa lớn nhất hiện nay lần lượt là: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, VPBank, Techcombank, MB Bank, ACB, Sacombank, VIB, HD Bank…

Top 10 ngân hàng sở hữu vốn hóa lớn nhất hiện nay

Trong bối cảnh, chính sách tiền tệ nới lỏng đang dần “ngấm” vào thị trường, lãi suất huy động giảm mạnh. “Tiền rẻ” thực sự thể hiện trên liên ngân hàng khi lãi suất qua đêm nằm sâu dưới 0,5%/năm. Thị trường chứng khoán trong thời gian qua ghi nhận diễn biến khả quan, không chỉ điểm số tăng mà giá trị giao dịch được cải thiện mạnh mẽ. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Mức tăng 4,1% của VN-Index trong tháng 6/2023 đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất khu vực Châu Á.

Kết quả này phản ánh tâm lý lạc quan của nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư cá nhân sau 4 lần liên tiếp Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất điều hành kể từ tháng 3/2023.

Tính đến giữa tháng 7/2023, VN-Index đã vượt qua ngưỡng 1.150 điểm, P/E bình quân trên 15 lần, dẫn đến tương quan định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn khi P/E chủ yếu từ 5 – 7 lần.

Sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu “vua” cũng kéo theo giá trị vốn hóa của ngành ngân hàng tăng. Theo đó, 10 ngân hàng sở hữu vốn hóa lớn nhất toàn ngành lần lượt lộ diện. Trong đó, có nhiều gương mặt quen thuộc, liên tục trụ vững trong top 10 qua nhiều quý kinh doanh.

10 “ÔNG LỚN” NGÂN HÀNG

Vị trí quán quân trong bảng xếp hạng vẫn thuộc về Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – mã chứng khoán: VCB) với hơn 500 nghìn tỷ vốn hóa. Con số này gần bằng tổng mức vốn hóa của ngân hàng BIDV, VPBank và Vietinbank cộng lại.

Riêng trong tháng 7, vốn hoá của VCB đã tăng 8% so với tháng trước. Tuy nhiên, xét về tốc độ tăng thì chỉ đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng những ngân hàng tăng vốn hoá mạnh nhất.

Trên thị trường, cổ phiếu VCB đang giao dịch ở mức 89.600 đồng/cổ phiếu, nếu so với ngày thấp nhất trong năm nay là ngày 20/3 (72.100 đồng/cổ phiếu), cổ phiếu này đã tăng 24%, nhưng vẫn thấp hơn so với mức đỉnh (ngày 26/7) là 93.400 đồng/cổ phiếu.

Vị trí á quân vẫn là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV – mã chứng khoán: BID) khi sở hữu khoảng 240 nghìn tỷ đồng vốn hóa. Hiện tại, giá cổ phiếu BID đang giao dịch quanh ngưỡng 47.500 đồng/cổ phiếu.

Xếp ở vị trí thứ 3 là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank – mã chứng khoán: CTG) khi sở hữu vốn hoá vượt mức 154 nghìn tỷ đồng. Trên thị trường, cổ phiếu CTG đang giao dịch trong khoảng 32.000 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu này không tăng nhiều so với hồi đầu năm.

Vốn hoá của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – mã chứng khoán: VPB) hiện đạt mức 147.700 tỷ đồng, xếp ở vị trí thứ 4 trong danh sách. Trong đó, thị giá cổ phiếu VPB hiện ghi nhận ở mức 21.8500 đồng/cổ phiếu, so với thời điểm chạm đáy là 17.000 đồng/cổ phiếu (phiên giao dịch ngày 27/2), cổ phiếu này đã tăng tới 28,5%.

Theo sau là mức vốn hóa trên 118 tỷ đồng tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – mã chứng khoán: TCB). Tính đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu TCB đã tăng 22,7% so với hồi đầu, vươn lên mức 33.700 đồng/cổ phiếu.

Kế tiếp là mức 98.546 tỷ đồng vốn hóa được ghi nhận tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB – mã chứng khoán: MBB). Hiện tại, giá cổ phiếu MBB đang giao dịch quanh mức 19.050 đồng/cổ phiếu. Hồi đầu năm nay, cổ phiếu này đã bị rớt xuống tới mức 14.500 đồng/cổ phiếu trong ngày 27/2.

Vị trí thứ 7 thuộc về Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (mã chứng khoán: ACB) với vốn hoá đang là 88.750 tỷ đồng với giá cổ phiếu đạt mức 23.000 đồng/cổ phiếu. Điều đáng nói, từ đầu năm tới nay cổ phiếu ngân hàng này luôn đi ngang, chỉ tăng mạnh vào hồi cuối tháng 7, đỉnh điểm nhất là vào ngày 4/8, với mức giá 24.400 đồng/cổ phiếu và lại giảm vào những ngày tiếp theo.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – mã chứng khoán: STB) đứng thứ 8 trong danh sách với giá trị vốn hoá vượt mức 60 nghìn tỷ đồng. Giá cổ phiếu STB cũng giao dịch trong ngưỡng 31.650 đồng/cổ phiếu. Hồi tháng 7, trước những thông tin tiêu cực liên quan tới hàng loạt vi phạm của Sacombank, cổ phiếu Sacombank bị “xả” ồ ạt, đỉnh điểm là ngày 20/7, giá cổ phiếu chỉ còn ở mức 27.900 đồng/cổ.

Dừng chân ở vị trí thứ 9 là Ngân hàng Quốc tế (mã chứng khoán: VID) khi sở hữu vốn hóa gần 53 nghìn tỷ đồng. Xét về thị giá, cổ phiếu VIB đang dừng ở mức 20.700 đồng/cổ phiếu, tăng mạnh 33,5% so với hồi đầu năm.

Đứng ở vị trí cuối cùng trong bảng xếp hạng là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank – mã chứng khoán: HDB) với giá trị vốn hoá gần đạt 50 nghìn tỷ đồng. Trên thị trường, giá cổ phiếu HDB đang ghi nhận khoảng 17.100 đồng/cổ phiếu. Về cơ bản, từ đầu năm tới nay, cổ phiếu HDB vẫn liên tục leo dốc, nhưng từ đầu tháng 8 tới nay, cổ phiếu này đang có dấu hiệu giảm.

CƠ HỘI VỚI CỔ PHIẾU “VUA” VẪN CÒN

Mặc dù còn xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về lợi nhuận ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm cũng như cả năm 2023, tuy nhiên triển vọng dài hạn của nhóm cổ phiếu “vua” vẫn được đánh giá rất cao.

Cụ thể, theo một báo cáo thị trường mới đây của Dragon Capital cho biết, cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ tiếp tục dẫn dắt trong nửa sau năm 2023 nhờ vào tăng trưởng tín dụng cao hơn nửa đầu năm, và tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) được cải thiện.

Đồng thời, các ngân hàng vẫn sẽ chủ động trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu tiềm ẩn. Nhìn chung, triển vọng đối với ngành ngân hàng vẫn tích cực, với mức dự phóng tăng trưởng EPS khoảng 10% cho năm 2023.

Tương tự, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng nhóm vốn hóa lớn có kỳ vọng kết quả kinh doanh cải thiện trong hai quý cuối năm và đặc biệt có sự phục hồi mạnh về lợi nhuận trong năm 2024 sẽ thu hút được dòng tiền.

Theo BVSC, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang có nhiều yếu tố hỗ trợ như: Cục Dự trữ liên bang (Fed) đang tiến tới giai đoạn cuối tăng lãi suất và có thể sẽ bắt đầu hạ lãi suất năm tới; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới hạ lãi suất và đã thực hiện 4 lần hạ lãi suất, cùng với đó đã cấp room cả năm 2023 cho các ngân hàng; kỳ vọng tăng trưởng tín dụng, NIM cũng như chất lượng tài sản sẽ có sự cải thiện trong nửa cuối năm cũng như năm 2024; định giá hấp dẫn.

“Nhóm ngân hàng với mức định giá vẫn đang ở quanh mức thấp của P/B từ năm 2016 tạo ra cơ hội tích lũy ở thời điểm hiện tại. Chúng tôi khuyến nghị các ngân hàng có kết quả kinh doanh nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong nửa cuối năm như Sacombank, ACB, Vietcombank, MB”, BVSC dự báo.

Ngược lại, nhóm phân tích đến từ Chứng khoán Vietcombank (VCBS) duy trì dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng giảm tốc trong năm 2023 với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 10%, trong đó có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng.

Lợi nhuận tiếp tục có sự phân hóa mạnh trong 2024, một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm trong năm 2024 trong trường hợp thị trường bất động sản và tình hình vĩ mô trên thế giới tiếp tục xấu đi khiến tín dụng chậm lại và khả năng trả nợ của khách hàng khó hồi phục, đồng thời với việc các thông tư và chính sách hỗ trợ hết hiệu lực.

VCBS đánh giá triển vọng đầu tư cổ phiếu ngành ngân hàng đang ở mức phù hợp thị trường với định giá P/B toàn ngành hiện thấp hơn khoảng 20% so với mức trung bình 5 năm.

Theo Nguyễn Lan-Thiên Ân/Thương Gia

Nguồn: https://thuonggiaonline.vn/10-ngan-hang-co-von-hoa-lon-nhat-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-post534792.html