QC 1
Thứ 6, ngày 26/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Bất động sản Phan Thiết, Bình Thuận sốt nóng

Từ sau Tết đến nay, Bình Thuận nổi lên là một cái tên được các ông lớn trong giới bất động sản cả nước “ngắm nghía”, nhất là khu vực TP. Phan Thiết. Bên cạnh đó cũng là sự hiện diện của “cò đất” đang thổi giá lên từng ngày.

Khoảng gần một tháng nay, trên con đường nối từ Tỉnh lộ 706B đến trung tâm xã Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết) – nơi dự kiến xây sân bay Phan Thiết – lúc nào cũng tấp nập ô tô biển số TP HCM, Bình Dương, Hà Nội, Lâm Đồng, Khánh Hòa… ghé qua.

Rất nhiều bảng bán đất kèm theo số điện thoại giao dịch do các chủ đất treo lên. Các quán cà phê đông khách hơn ngày thường và câu chuyện cũng chủ yếu tập trung vào đề tài mua bán đất. Trên bàn, người dân, “cò đất” để cả sổ đỏ bày ra cho khách xem.

Sốt đất tại xã Thiện Nghiệp

Xã Tiến Thành, một xã nằm ven biển của TP. Phan Thiết đang rất “nóng” với sự hiện diện của “cò đất”. Chính quyền địa phương cho biết, hiện đất nông nghiệp trên địa bàn đã được các cò đất “thổi” giá lên đến vài tỷ đồng/sào (khoảng 1.000 m2), các khu vực ven biển giá đất còn được đẩy cao hơn nhiều. Ngoài ra, tại thị xã La Gi và dọc tuyến đường biển Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam), giá đất cũng bắt đầu nóng dần lên sau khi đất ở các khu vực lân cận đã được đẩy lên khá cao.

Đặc biệt phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại Bình Thuận đang trở nên nhộn nhịp đón một làn sóng đầu tư mới. Bình Thuận vị trí gần TP. HCM lại có gần 200 km bờ biển đẹp, quanh năm ấm áp ít bị bão lụt, nhiều dự án sân bay, đường cao tốc đang triển khai.

Theo tìm hiểu của phóng viên, những dự án đất nền tại các địa bàn TP. Phan Thiết trước đây được chủ đầu tư bán ra khoảng 7 – 8 triệu đồng/m2 hiện tại đã được đẩy lên giá từ 12 – 15 triệu đồng/m2… Trong khi giá đất mặt tiền khu vực đường nhựa gần khu vực UBND xã Thiện Nghiệp trước đây chỉ từ 100 – 300 triệu đồng/sào thì nay đã tăng lên hơn 2 tỷ đồng/sào, thậm chí đất rẫy trước đây chỉ 50 – 200 triệu đồng/ha nay cũng tăng đến 1,5 – 2 tỷ đồng/ha.

Giới kinh doanh nhà đất lâu năm ở Bình Thuận cho biết nguyên nhân tạo nên cơn sốt đất lan rộng là do sự xuất hiện đồng thời của nhiều đại gia bất động sản từ các tỉnh, thành khác đem theo những dự án đầu tư lớn vào tỉnh.

Cụ thể, chỉ trong 3 tháng cuối năm 2018, Bình Thuận đã đón nhiều dự án lớn với tổng vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ USD, trong đó đáng chú ý như: Novaland với dự án Nova Hills; VNGroup với dự án Goldsand Hill Villa; Tập đoàn FLC với dự án FLC Mũi Né & Beach Resort…

Đến đầu năm 2019, tỉnh tiếp tục đón thêm các dự án lớn với tổng vốn lên đến 385 triệu USD. Theo thống kê sơ bộ, năm 2019 sẽ có 18 siêu dự án, với tổng mức đầu tư gần 3 tỷ USD đổ vào Phan Thiết. Nhiều doanh nghiệp triển khai dự án nghỉ dưỡng đã vào đón sóng thị trường này. Có thể kể đến như The Qeen Pearl với quy mô 27ha; Ocean Dunes với tổng vốn 2.600 tỉ đồng của tập đoàn Rạng Đông quy mô 62ha; Vietpearl City cũng “đổ bộ” về Phan Thiết với 3 lock condotel, 300 nhà phố nghỉ dưỡng;…

Ngoài ra, thông tin tỉnh sẽ chính thức khởi công xây sân bay Phan Thiết với số vốn điều chỉnh hơn 10.000 tỷ đồng trong quý III/2019 và dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết với tổng mức đầu tư gần 15.000 tỷ cũng dự kiến khởi công trong 6 tháng tới càng thu hút đông đảo lực lượng “cò đất” từ khắp nơi đến đây để đầu cơ kiếm lời.

Phan Thiết, Bình Thuận đang có sức nóng thu hút nhiều khách hàng và nhà đầu tư

Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế, những giao dịch mua bán thành công tại đây chỉ tính trên đầu ngón tay, còn lại hầu hết là giao dịch ảo.

Theo lãnh đạo UBND xã Thiện Nghiệp, việc giá đất trên địa bàn đang bị đẩy lên cao từng ngày là do có sự tiếp tay của lực lượng môi giới đông đảo từ các địa phương khác đến. Đây là cơn sốt thứ hai diễn ra ở xã (đợt đầu diễn ra vào cuối tháng 04/2018).

“Họ đến thổi giá đất tăng cao với những giao dịch ảo và khi đội ngũ này rút đi thì giá đất lại hạ nhiệt”, vị này nói thêm.

Một người có thâm niên làm nghề môi giới bất động sản lâu năm tại TP. Phan Thiết cho biết, nhiều môi giới cũng như đầu cơ đất đã bất chấp tất cả để kiếm lời. Có những lô đất nằm trong quy hoạch khu dân cư, quy hoạch khu đô thị… nhưng vẫn được họ đem ra rao bán tràn lan. Tình trạng này chủ yếu xảy ra tại khu vực ngoại ô của TP. Phan Thiết và các địa bàn vệ tinh như: Phong Nẫm, Hàm Liêm, Hàm Thắng…

“Có lẽ vì thế mà từ sau Tết, nhiều công ty bất động sản mọc lên như nấm với số lượng môi giới gần cả trăm người. Do đó, có sự cạnh tranh ngầm giữa các công ty cũng như giá rao bán đất được tính toán kỹ trước khi lên sàn. Do sức nóng của thị trường bất động sản khiến nhiều sàn, nhiều môi giới vì lợi nhuận trước mắt mà có những tư vấn không chính xác, gây thiệt hại cho người tiêu dùng”, Giám đốc một sàn giao dịch nhà đất tại TP. Phan Thiết cho biết.

Trước tình trạng giá đất tại nhiều nơi tăng chóng mặt, hoạt động mua bán trái phép diễn ra rầm rộ, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị, sở ngành liên quan ngừng việc tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ tách thửa, san lấp mặt bằng, phân lô bán nền trên toàn tỉnh. Đồng thời, yêu cầu UBND TP Phan Thiết và UBND các huyện, thị xã kiểm soát, quản lý hiệu quả việc thực hiện các dự án bảo đảm đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mục đích sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt trên địa bàn quản lý.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường để có biện pháp kịp thời ổn định thị trường, phòng ngừa và ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, không để xảy ra tình trạng sốt giá bất động sản và bong bóng bất động sản trên địa bàn tỉnh…

Theo Hữu Dũng/Thời báo chứng khoán