QC 1
Chủ nhật, ngày 05/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Địa phương chủ động “làm tổ cho đại bàng nội”

“Làm tổ cho đại bàng nội” là điều mà các doanh nghiệp lâu nay chờ đợi từ các địa phương để mạnh dạn đầu tư. Mỗi địa phương với đặc thù riêng, cần tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hỗ trợ các doanh nghiệp nội cất cánh, trở thành động lực chính cho nền kinh tế.

Các đại biểu tham dự Toạ đàm “Làm tổ cho đại bàng nội” ngày 5/3

Tại hội thảo “Làm tổ cho đại bàng nội” diễn ra vào chiều 5-3 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế FLC Hạ Long (Quảng Ninh), các nhà làm chính sách, chuyên gia kinh tế cùng nhiều đại diện doanh nghiệp đã bàn thảo, tìm những giải pháp thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân bứt phá, có thể trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới sau đại dịch Covid-19.

Sức bật mới của kinh tế tư nhân

Trải qua hơn 3 thập kỷ, khối doanh nghiệp tư nhân từng ở vị trí được coi là yếu thế, ít có tiếng nói so với các khối khác đã vươn mình trở thành trụ cột phát triển của quốc gia. Năm 2020, kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng 43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động, đóng vai trò quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo việc làm cho người dân.

Trong đó, nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân không chỉ trở thành mũi nhọn tại một số lĩnh vực đầu tư trong nước mà đã và đang xây dựng, phát triển thành công những sản phẩm, công trình mang tầm vóc khu vực và thế giới, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Phát biểu mở màn toạ đàm, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, tương lai của đất nước phụ thuộc vào các doanh nghiệp tư nhân, trong đó nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước là khơi dậy cho sự phát triển của khu vực này.

Lãnh đạo VCCI dẫn thực tế, các dự án nước ngoài tại nhiều địa phương được đánh giá cao, còn doanh nghiệp nội ví như “bụt chùa nhà không thiêng” dù mang lại nhiều giá trị, công ăn việc làm.

“Cần xây dựng, nâng niu đàn rồng Việt để các doanh nghiệp dân tộc, doanh nhân dân tộc trở thành yếu tố dẫn dắt nền kinh tế, đảm bảo sự tự chủ của kinh tế Việt Nam. Vừa thịnh vượng vừa tự chủ”, ông Lộc nhấn mạnh.

Thực tế, khu vực kinh tế tư nhân đã trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế và theo ông Lộc “phải ngày càng trở nên quan trọng hơn”. Bởi nước ta hiện có lực lượng kinh tế tư nhân đông đảo, không phải chỉ có 800.000 doanh nghiệp, mà là trên 6 triệu, bao gồm các hộ kinh doanh. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp lớn và mạnh.

TS. Vũ Tiến Lộc nhận mạnh cần xây dựng, nâng niu các doanh nghiệp nội

“Định hướng chính sách không phải tăng số lượng, mà nâng cấp chất lượng, quy mô doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp lớn, cỡ vừa. Hỗ trợ doanh nghiệp lớn không phải theo kiểu SME, cầm tay chỉ việc hay tiền bạc, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19, mà quan trọng là thể chế, môi trường kinh doanh an toàn, bình đẳng, thuận lợi”, ông Lộc nói và nhấn mạnh sự công bằng trong hỗ trợ doanh nghiệp.

“Không thể và không nên có chính sách dành cho doanh nghiệp lớn. Thay vào đó hướng tiếp cận cần đi từ góc độ theo ngành, theo chuỗi. Từ đó có thể hỗ trợ các doanh nghiệp lớn trở thành đầu đàn làm trung tâm của chuỗi và kéo doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng phát triển”.

Đối tác công tư nên mở rộng ra các hoạt động xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ quan trọng của đất nước. Đây là thời điểm thích hợp để nhận thức lại vai trò doanh nhân lớn và xây dựng một chương trình yểm trợ cho các doanh nghiệp lớn. Covid-19 giúp nhận ra những yêu cầu về phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội.

Nhiều thách thức cho doanh nghiệp

Tại hội thảo, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái đề cập đến khó khăn, thách thức của khu vực kinh tế tư nhân khi tỉ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam nhiều nhưng thiếu các doanh nghiệp đầu tàu. Nếu phát triển, nhà nước cần phải quy hoạch để thu hút sự tham gia đồng đều của các doanh nghiệp, trong đó khối tư nhân và quốc doanh song song phát triển.

Một trong những nguyên nhân thiếu các doanh nghiệp “đại bàng” là do nhiều đơn vị chưa minh bạch, chưa tạo chuỗi liên kết phát triển, manh mún, cạnh tranh lẫn nhau, làm suy yếu lẫn nhau, mà thiếu hẳn sự tự lực, tự cường và tự cạnh tranh nội địa.

Nhà nước cần phải có hoạch định rõ ràng để doanh nghiệp phát triển mạnh trong 5 đến 20 năm tới. Đặc biệt, Chính phủ có thể hạn định số lượng đơn vị tham gia vào một số ngành nghề để tránh lãng phí nguồn lực, chẳng hạn: không nên để tỉnh nào cũng làm du lịch, công nghiệp, không nên phát triển tràn lan, chồng chéo.

Về chiến lược để xây dựng các “đại bàng nội”, ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch Tập đoàn Bkav dẫn chứng từ Hàn Quốc, Trung Quốc có các tập đoàn lớn chiếm khoảng 50-60% GDP của Hàn Quốc. Nếu Việt Nam xây dựng được những doanh nghiệp tương tự thì có thể dẫn dắt nền kinh tế phát triển mạnh mẽ bởi các doanh nghiệp mũi nhọn là cánh chim đầu đàn để Việt Nam cất cánh.

Cụ thể, Chính phủ chọn các doanh nghiệp vượt trội, có sức khoẻ, sức mạnh cạnh tranh về công nghệ; cần tạo ra môi trường để các doanh nghiệp phát triển bùng nổ, trong đó vốn, nhân lực, thị trường, chính sách đặc biệt quan trọng. Khi đã có sản phẩm có tỷ lệ nội địa hoá cao, Chính phủ cần tạo bàn đạp để sản phẩm được phổ biến, phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam trước khi vươn ra toàn cầu.

Một rào cản lớn lâu nay là chính sách pháp luật còn bất cập, chồng chéo luật, gây khó khăn cho nhà đầu tư, tạo ra áp lực và sự không an toàn cho doanh nghiệp. VCCI đang đề nghị thành lập tổ công tác phát hiện chồng chéo pháp luật, với 11 tổ rà soát trong 11 lĩnh vực để sửa các văn bản chồng chéo…

Quảng Ninh, nơi tiên phong cải cách thủ tục hành chính và các công trình đối tác công ty lớn đã thu hút các nhà đầu tư hài lòng khi đến “làm tổ”. Quảng Ninh có mô hình xúc tiến đầu tư đầu tiên tại Việt Nam, với trung tâm hành chính công. Đây là nơi các nhà đầu tư tới giải quyết thay vì đến các sở, ban ngành. Hệ thống chính trị đón tiếp, giải quyết một cửa người dân, doanh nghiệp, bám sát thanh tra, giám sát, có tương tác giữa chính quyền và người dân qua mạng xã hội cũng rất cởi mở.

Chính bởi sự chủ động “làm tổ đón đại bàng” mà các tập đoàn lớn như FLC, Vingroup, SunGroup… đến đây đều được người đứng đầu tỉnh mời gọi chân thành. Chính thái độ thân tình đó đã tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: Ngọc Thành.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, vai trò của kinh tế tư nhân đã được nêu rõ trong nghị quyết 09 về doanh nhân năm 2011, có thể khẳng định các định hướng của Đảng về kinh tế tư nhân đang mở đường cho các cơ chế, chính sách, giúp tạo mọi điều kiện thuận lợi cũng như thu hút nguồn lực phát ngoài quốc doanh.

Trong thời gian qua, kinh tế tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng cho ngành kinh tế. Doanh nhân ngày càng được tôn trọng và tôn vinh. Khu vực kinh tế tư nhân đang phát triển theo xu hướng mới, gắn liền hơn với công nghệ, đổi mới sáng tạo và đủ sức thực hiện những công trình lớn và phức tạp. Về quy hoạch môi trường kinh doanh, ông nêu quan điểm cần phải tiến hành ở phân vùng sau đó mới đến quy hoạch ở từng quốc gia.

Theo Hải Hà – Anh Phương/Việt Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/kinh-te/dia-phuong-chu-dong-lam-to-cho-dai-bang-noi-489356