QC 1
Thứ 3, ngày 07/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ngân hàng Quân đội (MBB) báo lãi 21.064 tỷ đồng, nợ xấu vượt 9.800 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã: MBB) ghi nhận kết quả kinh doanh năm 2023 tăng trưởng cao với lợi nhuận sau thuế đạt 21.064 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu bất ngờ tăng tới 95% lên hơn 9.800 tỷ đồng.

Ngân hàng Quân đội vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2023, với các chỉ tiêu tăng trưởng cao. Trong kỳ, thu nhập lãi thuần của MBB đạt hơn 9.163 tỷ đồng, giảm nhẹ 4,8% so với cùng kỳ quý 4/2022.

Xét cơ cấu doanh thu, hoạt động dịch vụ đem về lãi thuần lớn nhất 1.456 tỷ đồng, kinh doanh ngoại hối đạt 290 tỷ đồng. Lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh đạt 196 tỷ đồng… Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác đạt hơn 761 tỷ đồng.

Nhờ đó, tổng thu nhập hoạt động quý 4 đạt hơn 11.750 tỷ đồng. Nhưng chi phí hoạt động tăng 6,8% lên 3.876 tỷ đồng.

Năm 2023, Ngân hàng Quân đội (MBB) báo lãi 21.064 tỷ đồng, nợ xấu vượt 9.800 tỷ đồng  

Nhờ giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gần 2.000 tỷ đồng trong quý 4 nên MB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 6.287 tỷ đồng và lãi sau thuế 5.045 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2023, Ngân hàng MB ghi nhận tổng thu nhập hoạt động hơn 47.306 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,8% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 26.306 tỷ đồng, tăng trưởng 15,7% so với năm ngoái và lãi sau thuế 21.053 tỷ đồng, chủ yếu nhờ giảm chi phí dự phòng rủi ro.

Trong đó, riêng ngân hàng đạt 24.688 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 21,5% so năm ngoái, cho thấy đà tăng trưởng ổn định của MB. Khả năng sinh lời ở mức cao, ROA và ROE lần lượt là ~2,5% và ~25%.

Tại thời điểm 31/12/2023, quy mô tổng tài sản của MB tăng mạnh 30% so với đầu năm, đạt gần 950.000 tỷ đồng.

Ngân hàng MB cũng cho biết, năm qua đã nỗ lực tối ưu chi phí hoạt động thêm 1% so với năm 2022, tỷ lệ chi phí hoạt động/doanh thu (CIR) theo BCTC hợp nhất 31,5%; CIR riêng ngân hàng 29,15%.

Với quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, tỷ lệ CIR MB tiếp tục được tối ưu năm thứ 4 liên tiếp (từ mức 35,56% năm 2020 về 29,15% năm 2023). Điều này tạo dư địa để MB tăng trưởng mạnh mẽ hiệu quả, đồng thời có nguồn lực để triển khai các chương trình hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng.

Năm 2023, mặc dù hoạt động tín dụng chung khó khăn do hấp thụ vốn của nền kinh tế suy giảm nhưng Ngân hàng MB vẫn đạt mức tăng trưởng tín dụng cao lên tới 28,2% so với năm trước. Dư nợ cho vay cuối kỳ ở mức 601.830 tỷ đồng.

Trong đó, dư nợ cho nhóm ngành ưu tiên theo định hướng của Chính phủ chiếm 65%. Nhà băng này cũng liên tục giảm lãi suất với mức giảm từ 2% – 4% để hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn vay.

Về chất lượng tín dụng, Báo cáo tài chính cho thấy, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,63% dư nợ, tương ứng hơn 9.803 tỷ đồng nợ xấu. Số nợ xấu này tăng 95% so với đầu năm, khiến cho ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro rất lớn lên tới 11.429 tỷ đồng.

 Nợ xấu của ngân hàng MB trong năm 2023 tăng đột biến 95% lên tới hơn 9.803 tỷ đồng

Chi phí dự phòng rủi ro được quản lý chặt chẽ theo tiêu chuẩn, năm MB hoàn nhập dự phòng hơn 4.800 tỷ đồng (tăng xấp xỉ 2 lần so với năm 2022) từ danh mục cơ cấu nợ thành công cho các nhóm khách hàng Covid từ 2020- 2021. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (quỹ dự phòng tín dụng/nợ xấu) năm 2023 đạt xấp xỉ 116%.

Năm qua, MB ghi nhận huy động tiền gửi của khách hàng đạt 569.640 tỷ đồng, tăng 27,3% so với đầu năm. Nhà băng này cũng duy trì lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ổn định ở mức cao, đạt tỷ lệ 40,1%. Số dư CASA năm 2023 cũng tăng trưởng gần 27% so với năm 2022.

Theo Nguyễn Hằng/Tạp chí Việt-Mỹ