QC 1
Thứ 6, ngày 26/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Trái phiếu doanh nghiệp đang hấp dẫn dòng tiền?

Theo dữ liệu công bố của các doanh nghiệp và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tổng lượng TPDN phát hành từ đầu năm đến nay ước tính ở mức 159.000 tỷ đồng, tăng 50% so với 6 tháng đầu năm 2019.

Con số này thậm chí còn có thể sẽ còn cao hơn nữa do các thông tin phát hành vẫn đang được công bố. Không chỉ tăng trưởng mạnh mẽ trên thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cũng sôi động hơn rất nhiều.

Cụ thể, lượng TPDN niêm yết trên sàn HoSE đã tăng từ 14.200 tỷ đồng (năm  2017) lên gần 36.000 tỷ đồng (30/6/2020), tương ứng tỷ lệ tăng trưởng bình quân 45%/năm.

Thanh khoản thị trường đang cải thiện với giá trị giao dịch tăng trung bình 80%/năm từ năm 2017 đến nay nhưng hiện vẫn ở mức khá khiêm tốn, bình quân khoảng 3.200 tỷ đồng/tháng.

Tại báo cáo thường niên của Công ty Chứng khoán TCBS, Công ty chiếm 82,4% thị phần giao dịch TPDN trên HSX, cho biết đã phân phối bán lẻ ra thị trường cho nhà đầu tư cá nhân hơn 30.000 tỷ đồng trong năm 2019, tăng 47% so với 2018.

Báo cáo của Trung tâm Phân tích CTCP Chứng khoán SSI cũng ước tính lượng TPDN nhà đầu tư cá nhân mua vào năm 2019 trên cả thứ cấp và sơ cấp khoảng 66.000 tỷ đồng, tương đương 1,4% tổng lượng tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng.Quảng cáo

Dù nhỏ bé nhưng mức độ tham gia của nhà đầu tư cá nhân vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tăng khá nhanh.Tính từ đầu năm 2020 đến nay, nhà đầu tư cá nhân đã mua trực tiếp gần 22.700 tỷ đồng TPDN trên sơ cấp – tương đương 15% tổng lượng phát hành, cao hơn mức trung bình gần 10% của năm 2019.

Rõ ràng, TPDN đang hút một lượng tiền đáng kể từ các kênh đầu tư khác, trong đó trực tiếp nhất là kênh tiền gửi do có cùng tính chất là các khoản đầu tư có thu nhập cố định. 

Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở bởi tại các kênh đầu tư khác như tiền gửi tiết kiệm thì lãi suất đã và đang thiết lập xu hướng giảm, trong khi đó đầu tư vào vàng thời điểm này không được các chuyên gia khuyến nghị bởi rủi ro được xem là quá cao.

Cụ thể, giá vàng đã tăng một thời gian dài, đầu tư vàng thời điểm này là khá muộn, nhất là với nhà đầu tư có ý định lướt sóng. Ngoài ra, các nước đều đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ tăng trưởng, thị trường chứng khoán Mỹ đang tăng điểm khá tốt, dòng tiền bị phân hóa, chứ không chỉ trú ẩn vào vàng. Vàng có thể tiếp tục tăng, song không tăng mạnh.

Đặc biệt các chuyên gia phân tích, giá vàng trong nước không liên thông với thế giới, biên độ chênh lệch giữa giá mua và giá bán luôn duy trì ở khoảng cách lớn, nên cơ hội kiếm lời ở thị trường này rất ít.

Riêng với chứng khoán, dòng tiền đang có sự chuyển động thú vị. Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán, số lượng mở mới tài khoản chứng khoán cao kỷ lục trong tháng 6/2020, với 35.046 tài khoản, chủ yếu là tài khoản cá nhân.

Dòng tiền nóng từ nhà đầu tư mới đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục mạnh sau cú sốc Covid-19. Tuy nhiên, theo các chuyên gia chứng khoán điều này đang làm nên sự thiếu bền vững cho thị trường.

Theo Tuệ Minh/Thương Gia

Nguồn: http://thuonggiaonline.vn/trai-phieu-doanh-nghiep-dang-hap-dan-dong-tien-32510.htm