QC 1
Chủ nhật, ngày 19/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Lô trái phiếu hơn 700 tỷ của Sapphire Coast và ‘bà đỡ vốn’ Nam Á Bank

Sapphire Coast là doanh nghiệp phát hành lô trái phiếu hơn 700 tỷ đồng hồi tháng 12/2021. Thương vụ được thu xếp bởi Nam Á Bank, ngân hàng vốn rất thân thiết, đồng hành trên mọi nẻo đường kinh doanh của giới chủ Sapphire Coast.

Phát hành giá trị lớn, công bố thông tin … “chiếu lệ”

Công ty CP Sapphire Coast là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thành lập ngày 22/6/2020, tại TP. Đà Nẵng. Ban đầu, vốn điều lệ của Sapphire Coast là 250 tỷ đồng, góp bởi 3 cá nhân là ông Trương Thiện Long (sinh năm 1994, sở hữu 35% cổ phần), ông Phạm Duy Đông (sinh năm 1991, sở hữu 30% cổ phần) và bà Phạm Thị Phương Thúy (sinh năm 1993, sở hữu 35% cổ phần còn lại).

Điểm chung của các doanh nhân trên là đều khá trẻ, thuộc lứa thế hệ 9x. Khi đó, ông Trương Thiện Long đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật Sapphire Coast.

Trung tuần tháng 6/2021, Sapphire Coast thay đổi vị trí người đại diện pháp luật cho một nam nhân sinh năm 1993 khác, là ông Trần Vũ Hoàng, sau khi tăng vốn điều lệ lên mức 360 tỷ đồng trước đó không lâu.

Ngày 27/12/2021, hoạt động kinh doanh của Sapphire Coast đánh dấu cột mốc lớn, doanh nghiệp chính thức triển khai đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng khối lượng lên tới 706,6 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với vốn chủ sở hữu.

Quá trình phân phối lô trái phiếu trên mất gần 3 tháng, đến ngày 22/3/2022 mới hoàn tất. Với kỳ hạn 3 năm, trái phiếu sẽ đáo hạn ngày 27/12/2024.

Ngoài giá trị phát hành khá lớn, lô trái phiếu của Sapphire Coast cũng khiến dư luận hoài nghi về sự minh bạch trong nghĩa vụ công bố thông tin của tổ chức phát hành.

Cụ thể, Thông tư số 122/2020 của Bộ Tài chính đã nêu rõ với doanh nghiệp chào bán trái phiếu trong nước, phải công bố thông tin chi tiết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), bao gồm các nội dung: thông tin doanh nghiệp, mã trái phiếu, điều kiện, điều khoản trái phiếu (gồm khối lượng phát hành, kỳ hạn, loại hình trái phiếu, lãi suất danh nghĩa và kỳ hạn trả lãi, lãi suất phát hành thực tế…); ngày phát hành và ngày đáo hạn, mục đích phát hành, phương thức phát hành, trái chủ, các tổ chức liên quan tới đợt chào bán…

Tuy nhiên, bản công bố thông tin của Sapphire Coast ngày 23/3/2022 rất sơ sài, “chiếu lệ” khi hoàn toàn bỏ trống những chi tiết quan trọng như lãi suất, mục đích huy động, danh sách trái chủ, và các tổ chức tham gia thu xếp phát hành. Sự thiếu minh bạch trong nghĩa vụ công bố thông tin tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư nói riêng, và ảnh hưởng tới bộ mặt của thị trường tài chính nói chung.

Rủi ro cho nhà đầu tư

Theo tìm hiểu của Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam, Sapphire Coast tự giới thiệu là chủ đầu tư dự án Tổ hợp chung cư cao cấp và trung tâm thương mại dịch vụ Sapphire Coast – nằm trên khu đất số C1, khu C vệt biệt thự Xuân Thiều – Nam Ô, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng.

Thửa đất này có diện tích 8.719,7 m2, mục đích sử dụng đất là thương mại dịch vụ, thời hạn sử dụng đến ngày 10/12/2060.

Đây cũng là địa chỉ đăng ký trụ sở chính của Sapphire Coast trước thời điểm tháng 10/2021. Sau đó, doanh nghiệp dời đại bản doanh về đường Hùng Vương, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng.

Trong thương vụ huy động hơn 700 tỷ đồng trái phiếu trên, nhiều khả năng Sapphire Coast đã sử dụng dự án cùng tên làm tài sản bảo đảm khi phát hành.

Tài liệu của Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam cho thấy, ngày 28/12/2021, tức thời điểm Sapphire Coast khởi động chào bán lô trái phiếu, doanh nghiệp đã đem “gán” các quyền tài sản phát sinh từ dự án Tổ hợp chung cư cao cấp và trung tâm thương mại dịch vụ Sapphire Coast (bao gồm quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán, quyền thụ hưởng lợi ích hình thành từ hợp đồng…), trừ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho phía Ngân hàng TMCP Nam Á – Chi nhánh Đà Nẵng.

Từ đó có thể nhận thấy vai trò rất lớn của Nam Á Bank trong hoạt động huy động vốn đầu tư, xây dựng dự án này của Sapphire Coast. Và nếu không có sự hỗ trợ của Nam Á Bank, Sapphire Coast chắc hẳn sẽ khó có thể tiếp cận nguồn vốn lên đến hơn 700 tỷ đồng, gấp hai lần vốn tự có, khi bức tranh tài chính của họ đang phát lộ hàng loạt điểm “gợn”.

Cụ thể, xét tại ngày 1/1/2022, dù đã có lịch sử hoạt động hơn 1 năm, song Sapphire Coast vẫn “trắng” doanh thu và lợi nhuận, thể hiện tính đặc thù của mẫu doanh nghiệp dự án, được lập ra với sứ mệnh đầu tư xây dựng dự án, và không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào khác.

Thời điểm đó, Sapphire Coast đang ghi nhận khoản nợ hơn 260 tỷ đồng, với tài sản bảo đảm là các quyền yêu cầu thanh toán và lợi ích liên quan đến Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa Sapphire Coast và hai cá nhân là ông Nguyễn Kiệt – bà Thái Thị Thu Hà.

Đến cuối năm 2022, Sapphire Coast tiếp diễn tình trạng doanh thu và lợi nhuận “0 đồng”, chỉ khác là khối nợ đã tăng lên gần 930 tỷ đồng, với sự xuất hiện của khoản nợ vay trái phiếu hơn 706 tỷ đồng.

Như vậy, lô trái phiếu của Sapphire Coast tiềm ẩn khá nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Sapphire Coast chỉ có thể tạo ra dòng tiền khi dự án cùng tên được hoàn tất xây dựng, đi vào hoạt động. Nhưng trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài, đã không hiếm trường hợp chủ đầu tư vỡ tiến độ, vỡ phương án tài chính, ảnh hưởng đến dòng tiền trả lãi cho trái chủ, thậm chí là “tắc nghẽn” cả khi phải đáo hạn.

Lúc này, vấn đề giải quyết khoản vay là một thách thức rất lớn, đặc biệt với trái phiếu có tài sản bảo đảm là dự án hình thành trong tương lai, như trường hợp của Sapphire Coast.

Thực tế minh chứng, tại các vụ án bị phát lộ thời gian qua, nhiều dự án khi chưa đủ điều kiện pháp lý nhưng vẫn được mang ra thế chấp, hoặc có trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu sử dụng vốn sai mục đích, dẫn tới việc dự án bị chậm trễ, “lụt” tiến độ. Dự án “trùm mền” hoàn toàn có thể bị thu hồi, dẫn đến khoản vay trở thành không có tài sản đảm bảo, và người chịu thiệt hại lớn nhất chính là các trái chủ.

Nên biết, dự án Sapphire Coast dính “lùm xùm” về pháp lý trong suốt thời gian qua. Thời điểm tháng 4/2022, dù bị đem đi thế chấp, song cơ quan có thẩm quyền của Đà Nẵng vẫn chưa ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, cũng như chấp thuận nhà đầu tư.

Chưa dừng lại ở đó, giữa lúc vướng mắc pháp lý chưa được giải quyết, nhiều trang mạng vẫn đồng loạt đăng tải những dòng quảng cáo, mời chào đầu tư vào Sapphire Coast – dự án được ví như “Viên ngọc lam” của thành phố Đà Nẵng…

Theo phản ánh của báo chí, đến giữa năm 2022, thực trạng dự án Sapphire Coast vẫn là khu đất trống, cỏ mọc um tùm… nhưng được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội.

‘Bà đỡ’ Nam Á Bank

Không chỉ có mối quan hệ thân thiết với riêng pháp nhân Sapphire Coast, Nam Á Bank còn thể hiện sự gắn bó với giới chủ đằng sau doanh nghiệp này.

Ông Trần Vũ Hoàng, người đang đứng tên tại Sapphire Coast, cũng đang có cơ sở làm ăn khác, trên cương vị Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển Ruby Land (Ruby Land).

Ruby Land cũng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, được thành lập từ tháng 4/2017, trụ sở chính tại số 159, khu 10, Khu đô thị mới Vĩnh Hòa, phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Tương tự Sapphire Coast, Ruby Land được cấp tín dụng liên tục từ Nam Á Bank, từ việc hỗ trợ mua sắm phương tiện đi lại, cho đến việc đầu tư, xây dựng một phần dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập, thuộc phường Xương Huân, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

“Bà đỡ vốn” cho cả Đầu tư Eras Holdings lẫn Công ty Kỷ Nguyên, đều là ngân hàng quen thuộc – Nam Á Bank.

Được biết, dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập được phát triển bởi chủ đầu tư là Công ty CP Sông Đà Nha Trang. Theo hợp đồng ký kết giữa hai bên, Ruby Land là chủ đầu tư thứ cấp, nhận chuyển nhượng một phần dự án, trên khu đất mang ký hiệu CT-01 từ năm 2017.

Đối tác này của Nam Á Bank, sau nhiều năm hoạt động, cũng không phát sinh doanh thu lẫn lợi nhuận, và đang sử dụng đòn bẩy khá lớn với tổng nợ phải trả là 222,9 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ 100 tỷ đồng, tính đến hết năm 2021.

Sẽ là thiếu sót, nếu không đề cập tới 2 cộng sự của ông Trần Vũ Hoàng tại pháp nhân Ruby Land, là bà Nguyễn Thị Thùy Linh (sinh năm 1985) và ông Nguyễn Duy Hùng (sinh năm 1975). Xếp theo tỷ lệ sở hữu, Chủ tịch HĐQT Trần Vũ Hoàng nắm 50% vốn điều lệ Ruby Land, phần còn lại chia đều cho bà Linh và ông Hùng.

Về phần mình, bà Nguyễn Thị Thùy Linh hiện là Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Đầu tư Eras Holdings (Đầu tư Eras Holdings). Đầu tư Eras Holdings là công ty mẹ của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Green View – nhà đầu tư dự án Khu dân cư nông thôn kiểu mẫu Green View tại xã ĐamBri, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Dự án này có diện tích gần 9,9ha, tổng mức đầu tư 521 tỷ đồng.

Trong khi đó, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển Kỷ Nguyên (Công ty Kỷ Nguyên) – thành viên khác liên quan đến thương hiệu “Eras Group” – cũng là nhà đầu tư dự án Khu dân cư nông thôn kiểu mẫu Đambri tại xã ĐamBri, TP. Bảo Lộc, ngay sát cạnh dự án Green View kể trên.

Quy mô của dự án Đambri lên đến 41,35 ha, tổng mức đầu tư hơn 1.577 tỷ đồng. Đặc biệt, “bà đỡ vốn” cho cả Đầu tư Eras Holdings lẫn Công ty Kỷ Nguyên, đều là ngân hàng quen thuộc – Nam Á Bank.

Theo Vân Oanh/Kinh tế chứng khoán

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/lo-trai-phieu-hon-700-ty-cua-sapphire-coast-va-ba-do-von-nam-a-bank-176248.html